Chú trọng an toàn
Mới đây, 160 học sinh khối 7, Trường THCS Lạc Hồng (quận 10) đã trải qua 2 ngày 1 đêm tham gia các hoạt động trải nghiệm kết hợp học tập tại TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Học sinh được tham quan bảo tàng, tìm hiểu kiến thức về rừng ngập mặn, thiết kế sản phẩm bảo vệ môi trường cùng nhiều hoạt động văn nghệ, trò chơi tập thể nhằm rèn kỹ năng làm việc nhóm. Điểm đặc biệt của chuyến đi là toàn bộ đội ngũ hướng dẫn viên, quản trò đều là... giáo viên của trường.
Thầy Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, trước đây việc tổ chức hoạt động trải nghiệm thường khoán trắng cho công ty du lịch, trường không kiểm soát được chất lượng phương tiện di chuyển, bữa ăn và nội dung các hoạt động học tập cho học sinh. Vì vậy, 4 năm trở lại đây, trường tự lên ý tưởng, xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động trải nghiệm. Trong các chuyến đi, thành viên ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm được phân công trực chốt ở nhiều vị trí, kể cả thời gian học sinh nghỉ ngơi, để kịp thời xử lý khi có tình huống phát sinh.
Học sinh lớp 7, Trường THCS Lạc Hồng (quận 10) tham gia trải nghiệm tại TP Vũng Tàu |
Với cách làm tương tự, giữa tháng 3 vừa rồi, 280 học sinh khối 2, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) đã có buổi tham quan kết hợp thực hiện dự án học tập tại Thảo cầm viên Sài Gòn.
Cô Nguyễn Thị Hải Hà, Khối trưởng khối 2, chia sẻ, ngoài lực lượng giáo viên chủ nhiệm và bảo mẫu, chuyến đi còn huy động thêm giáo sinh đang thực tập tại trường và phụ huynh các lớp. Học sinh được tham gia các trò chơi vận động kết hợp học tập ở nhiều môn. Ở mỗi trạm học tập, các em được phát phiếu câu hỏi tìm hiểu về các loài động vật, qua đó, bài học về đa dạng sinh học và tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường được tiếp thu một cách tự nhiên, sinh động. Theo cô Hải Hà, để tổ chức hoạt động cho học sinh trong 2 giờ, các thầy cô đã đi tiền trạm nhiều lần.
“Những năm trước, hoạt động có sự hỗ trợ của hướng dẫn viên chuyên nghiệp tại Thảo cầm viên Sài Gòn. Nhưng năm nay, giáo viên kiêm luôn vai trò hướng dẫn viên. Nhờ sự gần gũi, cô và trò dễ dàng tương tác, các em học nhanh và hiệu quả hơn”, cô Hải Hà cho biết.
Tận dụng nguồn lực
Cô Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) cho biết, mỗi năm, các tổ khối sẽ họp bàn, lên kế hoạch tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh nhằm giúp các em tiếp thu kiến thức bằng hình thức trực quan sinh động. Các thành viên sẽ phân công liên hệ xe di chuyển, địa điểm tham quan, triển khai các hoạt động. Nhờ vậy, dù cùng điểm tham quan nhưng hoạt động từng khối lớp sẽ khác nhau và đổi mới qua từng năm.
Thầy Nguyễn Thành Tín, Khối trưởng khối 4, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, bày tỏ, giáo viên trẻ được phân công nhiệm vụ điều phối, di chuyển nhiều, các thầy cô lớn tuổi phụ trách về chuyên môn và truyền thông với phụ huynh.
“Yêu cầu quan trọng nhất với giáo viên khi tổ chức hoạt động ngoài nhà trường là kỹ năng xử lý tình huống và quản lý học sinh, chủ động dự phòng các tình huống có thể xảy ra. Qua đó, giúp thầy cô có thể đánh giá kỹ năng, kiến thức của học sinh một cách toàn diện, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng phù hợp”, thầy Tín cho biết.
Theo thầy Nguyễn Thành Phát, để thầy cô chuyên nghiệp hơn trong vai trò hướng dẫn viên, mỗi năm, trường đều tổ chức tập huấn cho giáo viên. Ngoài ra, phó hiệu trưởng một trường THCS ở quận 1 nêu thực tế, hiện một số khu du lịch có chính sách miễn giảm vé vào cổng cho học sinh, song nhiều nơi vẫn tính đủ.
Khi hợp đồng với công ty du lịch, chi phí thường rẻ hơn so với việc trường tự liên hệ. Vì vậy các trường thường chọn phương án không hợp đồng trọn gói với công ty du lịch mà chọn một số hạng mục như xe di chuyển, phòng khách sạn, vé tham quan công ty du lịch lo, còn việc ăn uống, tổ chức hoạt động sẽ do trường phụ trách.