Điều 65 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về thời gian làm việc của tài xế ô tô như sau: “Thời gian làm việc của người lái ô tô không được quá 10 giờ trong 1 ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ”.
Phương pháp tính toán vi phạm về thời gian lái xe liên tục được xác định căn cứ vào khoản 3 Điều 5 Thông tư 09/2015/TT-BGTVT về cung cấp, quản lý và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của ô tô. Ngày làm việc của người lái xe được tính từ khi người lái xe bắt đầu điều khiển phương tiện (xe bắt đầu chạy) đến khi đủ 24 giờ, hoặc đến khi người lái xe nghỉ (không điều khiển phương tiện) đủ 14 giờ trở lên. Vi phạm thời gian làm việc của lái xe trong ngày được xác định khi tổng thời gian lái xe trong ngày làm việc vượt quá 10 giờ.
Quy định về thời gian làm việc của tài xế nhằm đảm bảo an toàn khi điều khiển phương tiện giao thông. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tuân thủ quy định này dường như ít được các tài xế quan tâm tuân thủ. Hành vi không tuân thủ quy định về thời gian làm việc của tài xế ô tô có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Theo điểm d khoản 6 Điều 23 Nghị định 46/2016/NĐ- CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm về thời gian lái ô tô là từ 3-5 triệu đồng. Tài xế ô tô còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” căn cứ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017. Khung hình phạt thấp nhất là 30 triệu đồng và cao nhất là phạt tù đến 15 năm tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm.
Theo quy định tại khoản 7 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, trường hợp tài xế ngủ gật gây ra tai nạn giao thông và rồi chính tài xế cũng bị tử vong, sẽ không bị khởi tố vụ án hình sự nhưng có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình các nạn nhân. Đối với trường hợp người có nghĩa vụ phải bồi thường đã chết thì những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Để xác định được chi phí bồi thường thiệt hại, cần căn cứ vào những thiệt hại bị xâm phạm như: thiệt hại về sức khỏe, chi phí cứu chữa, phục hồi sức khỏe, chi phí mai táng, cấp dưỡng, bù đắp tổn thất tinh thần…