Ngoài một loạt cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Nai bị kỷ luật cảnh cáo, cách chức thì UBKT Trung ương đã đề nghị Ban Bí thư xem xét thi hành kỷ luật đối với ông Hồ Văn Năm, Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy và Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh. Đây là 2 cán bộ được UBKT Trung ương xác định có sai phạm rất nghiêm trọng liên quan trách nhiệm đến nhiều vụ việc, vụ án nổi cộm trên địa bàn trong khoảng thời gian từ năm 2008 - 2018.
Tha bổng cho cán bộ nhận hối lộ
Vụ án từng gây xôn xao dư luận xảy ra hồi cuối năm 2010, liên quan đến Trung tâm Sát hạch lái xe (phường Bửu Long, TP Biên Hòa). Sau khi nhận được thông tin về đường dây “chạy” giấy phép lái xe “bao đậu”, Công an tỉnh Đồng Nai đã lập chuyên án do một phó giám đốc làm trưởng ban chuyên án. Quá trình theo dõi, các trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) đã mật phục, bắt quả tang 6 cán bộ là sát hạch viên, thanh tra Sở GTVT và giáo viên Trường Trung cấp nghề GTVT Đồng Nai đang nhận hối lộ của thí sinh mua giấy phép lái xe với số tiền 36 triệu đồng, trong đó có em trai của ông Hồ Văn Năm là Hồ Văn Sữa. Các đối tượng bị bắt tạm giam nhưng sau đó không được Viện KSND tỉnh phê chuẩn (lúc này ông Năm đang làm Viện trưởng) nên buộc phải thả các nghi can. Nhờ đó, các nghi can đã thông cung để cuối cùng vụ án bị đình chỉ điều tra.
Một vụ án khác là vụ bà Trần Độ Ái Nhân, Phó Giám đốc Công ty Gia Trần (trụ sở tại TPHCM), tố cáo Công ty TNHH Cáp Tân có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Theo đơn tố cáo, tháng 12-2011, bà Nhân cho Trần Mạnh Kiên, Giám đốc Công ty Cáp Tân vay 10 tỷ đồng để lấy lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang thế chấp tại ngân hàng và hứa hẹn 15 ngày sau sẽ trả nợ. Tuy nhiên, Công ty Cáp Tân đã không thực hiện theo hợp đồng nên bà Nhân làm đơn tố cáo.
Ban đầu, cơ quan CSĐT ra quyết định không khởi tố vụ án nhưng bà Nhân nhiều lần làm đơn khiếu nại và Thường trực Tỉnh ủy đã giao Ban Nội chính chủ trì họp với các ngành nội chính tỉnh để xử lý vụ việc. Các bên thống nhất hủy quyết định không khởi tố vụ án đã ban hành trước đó và giao cho công an tỉnh tiếp tục điều tra. Cơ quan CSĐT nhận thấy có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản nên đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhưng đều bị Viện KSND tỉnh bác bỏ.
Án oan sai và chỉ đạo tố tụng
Trên cương vị Viện trưởng Viện KSND tỉnh, ông Năm còn phải chịu trách nhiệm về các trường hợp truy tố oan sai như vụ án Nguyễn Tấn Đại (huyện Tân Phú). Theo hồ sơ, tháng 7-2005, Đại bị Công an huyện Tân Phú bắt giam về tội hiếp dâm trẻ em. Vụ việc được chuyển lên cấp tỉnh xử lý và Viện KSND tỉnh ra cáo trạng truy tố tội hiếp dâm trẻ em, đến tháng 12-2006, án sơ thẩm đã tuyên phạt Đại 9 năm tù.
Vụ án bị Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM hủy án, trả hồ sơ điều tra lại. Mặc dù Viện KSND tỉnh tiếp tục ra cáo trạng truy tố Đại với tội danh như cũ, nhưng lần này TAND tỉnh Đồng Nai xét xử tuyên không phạm tội… Trong vụ việc này, ông Năm không chấp hành chỉ đạo của Viện KSND tối cao và Thường trực Tỉnh ủy về bồi thường (cho ý kiến phải bồi thường) cho bị cáo khiến vụ việc bị kéo dài, chưa xử lý kịp thời cá nhân để xảy ra oan sai.
Khi lên làm Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, ông Hồ Văn Năm tiếp tục có những can thiệp bỏ lọt tội phạm, gây hậu quả nghiêm trọng. Từ năm 1985 - 1986, Trạm trồng rừng Biên Hòa (nay là Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa) được giao 314ha đất tại phường Long Bình để trồng rừng nhưng trạm đã buông lỏng quản lý, để dân lấn chiếm, chuyển nhượng trái phép mất gần 30ha. Kết quả điều tra cho thấy, từ năm 2006 đến tháng 5-2013, khu vực này có 206 trường hợp xây dựng nhà xưởng trái phép và trong 119 trường hợp được công an mời làm việc ghi biên bản thì Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa và xã UBND Long Bình chỉ lập biên bản 19 trường hợp.
Cơ quan CSĐT Công an TP Biên Hòa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Trần Đình Xướng và 2 người khác nhưng Viện KSND TP Biên Hòa không phê chuẩn và sau đó yêu cầu Công an TP Biên Hòa đình chỉ điều tra do đã hết thời hạn. Trong vụ này, ngày 19-12-2016, Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai đã có chỉ đạo xử lý nhưng giữa các cơ quan tố tụng không thống nhất được quan điểm xử lý, còn ông Năm với tư cách Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy đã dự cuộc họp với Thành ủy Biên Hòa và trực tiếp có ý kiến chỉ đạo Công an Biên Hòa không mở rộng điều tra, đình chỉ điều tra vụ án mà không xin báo cáo, xin ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy. Đáng chú ý là trước đó 1 năm, TAND tỉnh Đồng Nai đã đưa ra xét xử 8 người dân chặt 12 cây keo lai tại lô đất 104, thuộc Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa quản lý (tuyên án từ 5-6 tháng tù về tội danh “Hủy hoại tài sản”).
Một vụ việc đình đám nữa là vụ đâm chém gây thương tích nặng xảy ra ở quán karaoke 1-2-3 (phường Trảng Dài, TP Biên Hòa) vào ngày 10-1-2016. Các đối tượng tham gia bị thương tích với tỷ lệ 43% - 54%; bị khởi tố và truy tố trong 2 vụ án về tội cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng nhưng chỉ bị tuyên với mức án quá nhẹ bằng với thời gian bị tạm giam. Đáng ngạc nhiên là đối tượng Nguyễn Huỳnh Lâm lại được miễn trách nhiệm hình sự. Cơ sở của sự tha bổng bất thường này là do ông Năm đã tổ chức cuộc họp với các cơ quan tố tụng của TP Biên Hòa và có ý kiến chỉ đạo trực tiếp vào quá trình tố tụng.
Thêm vụ việc nữa có sự “dàn xếp” của ông Năm là vụ án chống người thi công vụ xảy ra ở huyện Nhơn Trạch, xảy ra vào ngày 5-9-2015, liên quan đến Doanh nghiệp tư nhân Nhân Thiện Hòa và bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc. Ngày 7-3-2016, Cơ quan CSĐT Công an huyện đã ra quyết định khởi số vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với bà Ngọc về hành vi chống người thi hành công vụ.
Do quá trình mời lên lấy lời khai, bà Ngọc không hợp tác nên cơ quan CSĐT đã ra lệnh bắt tạm giam bị can trong thời hạn 2 tháng và quyết định đã được Viện KSND huyện Nhơn Trạch phê chuẩn. Ngày 22-4-2016, Ban Thường vụ Huyện ủy Nhơn Trạch đã tổ chức cuộc họp để nghe các cơ quan nội chính huyện báo cáo quan điểm giải quyết vụ án. Kết thúc cuộc họp, ông Năm chỉ đạo: “Hành vi của bà Ngọc là thực hiện quyền giám sát của người dân, yêu cầu cơ quan công an thực hiện nhiệm vụ đúng theo quy định của pháp luật là lập biên bản xử lý vụ việc tại chỗ đối với hành vi vi phạm của Doanh nghiệp Nhân Thiện Hòa, hành vi của bà Ngọc không có dấu hiệu của tội phạm “Chống người thi hành công vụ” và đề nghị Cơ quan CSĐT, Viện KSND huyện Nhơn Trạch hủy bỏ tạm giam đối với bà Ngọc”. Đến ngày 25-4-2016, ban lãnh đạo Viện KSND tỉnh Đồng Nai tiếp tục họp và đi đến kết luận, chỉ đạo đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với bà Ngọc.
Tương tự, một vụ án nữa là vụ bà Đào Thị Bằng tố cáo Công ty Mía đường La Ngà. Bà Bằng có đơn từ năm 2014 và Thường trực Tỉnh ủy đã giao Ban Nội chính Tỉnh ủy xử lý đơn. Ngày 17-12-2015, ông Năm chủ trì họp án với các ngành nội chính tỉnh, thống nhất không khởi tố vụ án. Sự chỉ đạo này cũng trái với quy chế phối hợp với các cơ quan tố tụng của Ban Nội chính Tỉnh ủy là ban có nhiệm vụ tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy hoặc Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo chứ không được trực tiếp chỉ đạo.
Nhờ sự vào cuộc của UBKT Trung ương trong suốt 6 tháng ròng mà dư luận biết đến những sai phạm (góc tối quyền lực) của ông Hồ Văn Năm khi còn giữ cương vị lãnh đạo Viện KSND tỉnh cho đến khi làm Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. Và lần thứ 2 liên tiếp, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh dính đến tiêu cực, sai phạm nghiêm trọng (sau trường hợp của bà Phan Thị Mỹ Thanh trước đó 1 năm). |