Song bằng “phép cộng” ý chí, hiểu biết và trách nhiệm sống còn, lãnh đạo thành phố đã vượt qua “khe cửa hẹp”, trừ dần những hiểm họa, từng bước hàn gắn, phục hồi, tái thiết và đang cùng lúc, vừa gầy dựng lại trên những nền tảng kế thừa hợp lý; rà soát và tiến tới thay đổi những “thiết kế” đã không còn phù hợp; vừa tỉnh táo và trách nhiệm trong tầm nhìn viễn kiến để cẩn trọng điều chỉnh quy hoạch tổng thể trước cơ hội lẫn thách thức của thành phố trong tương lai.
Cũng trong thời điểm này, nhiệm vụ xử lý rốt ráo một số vấn đề tồn đọng để không tiếp tục kéo dài những phát sinh, hệ lụy tiêu cực; bên cạnh đó là yêu cầu giám sát, kiểm soát tốt nhất công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để không lặp lại những sai lầm. Vừa thử sức vận hành cơ chế khích lệ, bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; vừa không thỏa hiệp, khoan nhượng với những suy thoái, yếu kém, thụt lùi trong từng tổ chức, cá nhân với sự nghiệp chung.
Từ đây, lãnh đạo thành phố đã vận dụng hai cơ chế để đẩy mạnh trách nhiệm thực thi: lập Ban Chỉ đạo (tiếp tục) xử lý những vấn đề tồn đọng với phương châm xử lý trực tiếp, dứt điểm; lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực với phương châm phòng là chính, chống ngay từ cơ sở. Công tác cán bộ được kiểm nghiệm, đánh giá, thử thách qua thực tiễn, nhất là nhận thức, ứng phó, xử lý trong từng tình huống. Bộ lọc thực tế này, đi cùng nguyên tắc minh bạch, khách quan, liêm chính đã dần tái sắp xếp bộ máy và sẽ còn tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy guồng máy phục vụ hiệu quả.
Không khó để nhận thấy một tinh thần cầu thị, lắng nghe và sẵn sàng đón nhận nhiều ý kiến đóng góp, kể cả những khác biệt. Bởi cuối cùng, sự chắt lọc từ những “tài nguyên” trí tuệ, kinh nghiệm, tâm huyết của toàn xã hội là thành quả của một thế hệ lãnh đạo mới. Điều này đã góp phần xây dựng những quyết sách trọng tâm cho chặng đường còn lại mà khó khăn không ít.
Trong đó, cốt lõi là việc điều chỉnh quy hoạch TPHCM nhằm cân bằng tổng thể phát triển (hạn chế việc để xảy ra hệ lụy của những điểm nóng do liên quan đến đất đai) thành phố, tạo ra các trục kết nối ưu thế, từ đó mở rộng những “đường dẫn” từ nội đô thành phố đến các cửa ngõ - liên thông khu vực, vùng miền. Quan điểm này cũng đồng thời kích hoạt chuỗi kết nối vận hành của hệ thống giao thông đường thủy - bộ; đánh thức kinh tế dịch vụ hành lang sông, trên bộ với tầm nhìn kinh tế biển. Dễ thấy nhất là khu Nam Sài Gòn sẽ là bộ ba quận 7 - Nhà Bè - Cần Giờ, vừa nâng cấp đô thị chất lượng cao của quận 7 vừa mở ra dư địa phát triển trong chuỗi đô thị sinh thái với Nhà Bè, Cần Giờ mà vẫn giữ được “kho báu” tự nhiên ở bán đảo này.
Chưa kể, trong khi điều chỉnh các trục phát triển, lãnh đạo thành phố cũng nhận diện rõ những mô hình kinh tế đi cùng việc tích tụ đất đai, nguồn lực lao động, hiệu quả sản phẩm lao động, sản xuất đã hoàn thành “sứ mệnh lịch sử”, tức không còn phát huy tốt sau 20 năm hoạt động (như một số kahu chế xuất, khu công nghiệp chỉ thuần gia công, sử dụng quỹ đất lớn). Từ đây, quyết liệt để có sự thay thế để khai thác tốt hơn, phù hợp với điều kiện mới. Một trong số đó là ưu tiên đẩy mạnh lợi thế sản xuất chuỗi cung ứng công nghệ trong sản xuất công nghiệp, ít đòi hỏi quỹ đất lớn, có trình độ chuyên môn cao, thị trường cạnh tranh mở rộng ở tầm khu vực, toàn cầu.
Các biện pháp đảm bảo sinh kế được thành phố thúc đẩy với từng mục tiêu và đầu việc. Đó là xây dựng mới các khu nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp; cải tạo và xây dựng các chung cư cũ, tính toán quỹ đất để giải quyết dứt điểm các cụm nhà ở kênh rạch đã tồn tại qua nhiều nhiệm kỳ. An dân, còn là phục dựng, tôn tạo các công trình di sản lịch sử, văn hóa thành phố, để trong dòng chảy phát triển đương đại, người dân tìm thấy được “ký ức tập thể” của cha ông mà gắn bó hơn, tự hào hơn đóng góp vào sự nghiệp chung của thành phố.
“Phép cộng” của công trình, dự án, những nỗ lực “phá băng”, củng cố bộ máy-cán bộ là “phép nhân” của sự an dân, sự phát triển bền vững của thành phố.