
Cách nay hơn 1 năm, báo Sài Gòn Giải phóng có đăng một tin ảnh phản ánh tình trạng một số kiểu xe gắn máy 2 bánh đang lưu hành như Future, Suzuki Viva, Yamaha Jupiter… gắn ống xả khói (ống pô) vểnh lên cao, khi chạy khói xả thẳng vào những người đi sau. Sau thông tin trên, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình của bạn đọc.

Ống khói vểnh lên, xả thẳng khói vào người đi sau.
Chúng tôi cũng hy vọng thông tin cảnh báo ấy sẽ được các ngành chức năng chú ý, bởi khói xả từ các phương tiện giao thông cơ giới trong đó có xe gắn máy 2 bánh là nguồn gây ô nhiễm đặc biệt nguy hiểm cho môi trường. Thế nhưng, đến nay, không những các loại xe với ống khói vểnh lên vẫn được lưu thông thoải mái trên đường mà còn phát triển thêm ở một số xe gắn máy Trung Quốc đời mới, vừa có mặt ở nước ta.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đinh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM, trong khí thải xe cơ giới có khí CO phản ứng rất mạnh với hồng cầu trong máu tạo ra cacboxy hemoglobin làm hạn chế sự trao đổi và vận chuyển oxy của máu đi nuôi cơ thể, nitơ oxit là một chất gây kích thích viêm tấy và có tác hại đối với hệ hô hấp...
Nếu những chất khí độc hại đó được xả theo phương ngang, nghĩa là ống khói xe được đặt song song với mặt đất thì trước khi bay lên lẫn vào không khí, chúng sẽ bị khuếch tán đi một phần, thậm chí những hạt bụi nặng sẽ rơi xuống đất, mức độc hại của những khí này vì thế sẽ giảm đi. Ngược lại, nếu ống khói vểnh lên, khí thải được phun thẳng vào người đi đường thì nồng độ các chất khí ấy chui vào phổi của họ sẽ đậm đặc hơn nhiều so với trước và tất nhiên mức độ nguy hiểm sẽ tăng lên.
Một tình huống nguy hiểm như thế, sao lại có thể tồn tại lâu đến như vậy? Cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam - Cơ quan kiểm tra, chứng nhận chất lượng và độ an toàn kỹ thuật cho các loại ô tô, mô tô, xe máy 2 bánh, ông Đỗ Hữu Đức giải thích: Theo tiêu chuẩn Việt Nam do Bộ Khoa học Công nghệ ban hành thì ống xả khói của xe mô tô, gắn máy 2 bánh chỉ “không được mở hướng về phía bên trái hoặc bên phải, không được hướng dòng khí thải gây cản trở tầm quan sát các chữ, số trên biển số đăng ký…”.
Điều này có nghĩa là các tiêu chuẩn trên chỉ hạn chế khói xe phun vào người đi đường ở bên trái và bên phải xe, chưa có các điều khoản ngăn ngừa hiện tượng khói xe thổi thẳng về phía người đi phía sau xe.
Và đây là lý do mà theo ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xe đạp và Xe máy Việt Nam “các nhà sản xuất xe thoải mái thiết kế ống khói xe ngang, hay vểnh tùy theo sở thích của mình”. Ở một số nước phát triển, lượng người đi xe gắn máy 2 bánh ít, việc thiết kế ống xả khói vểnh không ảnh hưởng đến người đi đường.
Tuy nhiên ở Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội… lượng người đi xe gắn máy rất nhiều, lại lưu thông với khoảng cách khá gần nhau nên khói xe của người đi trước rất dễ phả thẳng vào mặt người đi sau nếu ống khói xe trước vểnh lên. Theo ông Tuấn, để chấn chỉnh việc này phải bắt đầu từ luật. Luật không cho gắn ống khói vểnh thì nhà sản xuất sẽ tuân theo.
Bắt đầu từ luật, ông Đức cũng nhất trí như vậy và cho biết sẽ có kiến nghị với Bộ Khoa học Công nghệ xem xét, bổ sung các yêu cầu cần thiết đối với ống xả khói xe gắn máy 2 bánh để khắc phục tình trạng nêu trên. Rất mong ngành chức năng làm sớm việc này, đừng để người dân phải chờ thêm nữa.
SƠN LAM