Đậm dấu ấn
Chỉ trong hơn một tháng, 3 sản phẩm âm nhạc Hoa nở không màu (phiên bản chính thức và phiên bản acoustic) và Buồn làm chi em ơi liên tục “gây bão” trên Nhaccuatui. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hơn 10 năm, có 3 sản phẩm âm nhạc do 1 nhạc sĩ sáng tác, được hát bởi 1 ca sĩ chiếm trọn 3 vị trí cao nhất bảng xếp hạng (BXH) tuần và BXH tốp 100. Không chỉ vậy, trong tuần qua, riêng Hoa nở không màu vẫn nằm trong tốp 1 MV có lượt xem tăng nhiều nhất YouTube trong nước, tốp 1 BXH Làn Sóng Xanh… Đây là dự án âm nhạc cá nhân Music Diary mùa 2 của nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường.
Music Diary mùa 2 được thực hiện trong nửa đầu năm 2020 với mong muốn khán giả thưởng thức âm nhạc thật sự, không bị chi phối bởi nội dung MV. Music Diary mùa 2 gồm 6 ca khúc pop ballad do Nguyễn Minh Cường sáng tác và được thể hiện bởi những giọng hát đang được yêu thích như: Có một ngày buồn như thế, Khi nỗi đau dừng lại (Nguyên Hà); Buồn làm chi em ơi, Hoa nở không màu (Hoài Lâm); Đi qua thương nhớ (Hà Nhi); Thanh xuân còn lại bao nhiêu (Thu Thủy); Mình dừng lại đi (Ali Hoàng Dương).
Trước đó, cuối 2019, nam nhạc sĩ đã hoàn thành dự án Music Diary kết hợp cùng Hòa Minzy, Hoài Lâm, Ái Phương, Trung Quân Idol, Nguyên Hà. Anh cũng thực hiện album đầu tay Nhật ký cảm xúc kết hợp các ca khúc trong Music Diary và thêm 3 giọng hát là Lệ Quyên, Hồ Ngọc Hà, Thanh Hà. Nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường cho biết, tháng 11 tới tiếp tục ra mắt Music Diary mùa 3 mang tên Nhật ký mùa đông gồm 5 ca khúc kết hợp 5 ca sĩ.
3 năm trở lại đây, Hứa Kim Tuyền trở thành cái tên ăn khách với sự thành công của loạt ca khúc như: Cầu hôn, Hôm nay tôi cô đơn quá, Ai cần ai… Anh cũng là một trong những nhạc sĩ 9X dám thực hiện dự án âm nhạc dài hơi (Colours - Bảy sắc cầu vồng), lần lượt giới thiệu nhiều sản phẩm âm nhạc kết hợp các ca sĩ Trúc Nhân, Văn Mai Hương, AMEE, Hương Giang, Hoàng Dũng…
Điểm đặc biệt của chuỗi dự án là các ca khúc sẽ đại diện cho một sắc cầu vồng, nói lên những khía cạnh liên quan đến cuộc sống. Album dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay và ra mắt đầu năm sau.
Nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền chia sẻ: “Colours - Bảy sắc cầu vồng đi từ trái tim và sẽ kết thúc nơi trái tim. Với ca khúc mở đầu Nếu một mai tôi bay lên trời, đây là một dự án phi lợi nhuận đóng góp cho quỹ chương trình Vết sẹo cuộc đời của diễn viên Ngô Thanh Vân. Tôi dự kiến toàn bộ doanh thu bán album sau này sẽ đưa vào quỹ của riêng của mình để hỗ trợ những mảnh đời khó khăn”.
Nhiều thử thách
Chất lượng, sự thành công của chuỗi Music Dairy, Colours - Bảy sắc cầu vồng đã đưa đến xu hướng nhạc sĩ làm album, dự án kết hợp với nhiều ca sĩ để khẳng định phong cách âm nhạc, tạo bản sắc riêng biệt.
Theo nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền, khi tự làm dự án, nhạc sĩ có thể tự do sáng tạo, chủ động kiểm soát lượng bài hát đưa ra thị trường: “Đây là hướng đi nhiều nhạc sĩ muốn làm, đòi hỏi các yếu tố như phải có lượng bài khá lớn, có ê kíp đồng hành để album có thể đến với khán giả một cách trọn vẹn nhất. Thách thức lớn nhất là nhạc sĩ không có lượng fan đông đảo như ca sĩ để khi ra album có thể tiếp cận được đông đảo công chúng”.
Nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường cũng cho rằng, việc nhạc sĩ chủ động thực hiện các dự án âm nhạc là một hướng đi hấp dẫn, táo bạo. “Tuy nhiên để thực hiện điều này cũng khá khó khăn. Tôi hy vọng sẽ ngày càng nhiều nhạc sĩ tự sản xuất những sản phẩm riêng của mình để thị trường âm nhạc có nhiều màu sắc, đa dạng hơn”, anh chia sẻ.
Ngày 13-8, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng ra mắt album Heal me. Từ năm 2012, nam nhạc sĩ đã bắt đầu tự làm album. Trong 8 năm, anh có nhiều dự án và khoảng 15 album riêng tự sáng tác, lên ý tưởng sản xuất, design, phát hành như My story, My family, My memories, Bộ sách nhạc 100 bài hát thiếu nhi…
Theo anh, khi làm dự án âm nhạc riêng, các nhạc sĩ chủ động hợp tác với các giọng ca yêu thích có thể hát tốt ca khúc, và cũng chủ động việc hòa âm phối khí cho ca khúc, theo đúng ý nhất.
“Làm một album tốn kém rất nhiều, từ chi phí sản xuất, bồi dưỡng ca sĩ và truyền thông để sản phẩm có tiếng vang nhất định. Hơn nữa, nhạc sĩ phải đối mặt với việc được làm những điều họ thích mà đôi khi không phải là điều khán giả cần, lợi nhuận không đủ bù đắp chi phí sản xuất. Khó khăn nhất là về mặt tài chính, phải chấp nhận may rủi trong nghề kinh doanh âm nhạc, phải tính toán, cân đo đong đếm nhiều hơn…”, anh nói.