“Con không cha như nhà không có nóc”. Câu thành ngữ xưa nêu bật vai trò che chở của người cha đối với gia đình. Ngày nay, với sự thay đổi mạnh mẽ của xã hội, hình ảnh, câu chuyện về những bà mẹ đơn thân (single mom) ngày càng trở nên phổ biến. Thế nhưng, xây dựng hạnh phúc trên một nền tảng hụt hẫng, thiếu thốn về tình cảm không phải bao giờ cũng là chuyện dễ dàng.
Giấu nước mắt sau những nụ cười
“Khi mẹ viết những dòng tâm sự này ra, mẹ mong rằng sau này lớn lên, khi đã đủ khôn lớn để hiểu biết về cuộc đời, con sẽ không trách cứ người mẹ này. Mẹ và ba của con đã từng yêu nhau để rồi mẹ có con. Mẹ không biết người ấy có xứng đáng để được gọi là ba của con hay không nhưng dù có như thế nào, chúng ta cũng không thể thay đổi được sự thật rằng người ấy vẫn là ba của con…”. Đó là những dòng tâm sự đầy nước mắt của một bà mẹ đơn thân. Dù nói là viết cho con mình nhưng thực tế, những dòng tâm sự đó là viết cho chính họ, như một cách để xả bớt nỗi đau. Còn với đứa con, trước mặt chúng vẫn là người mẹ vui tươi và hạnh phúc.
Trong cuốn sách Nhật ký những bà mẹ đơn thân, tác giả Hoàng Thư có cho rằng, điều quan trọng nhất của một bà mẹ đơn thân là không để đứa con cảm nhận nỗi đau của họ. Đứa bé chẳng có tội và cũng chẳng thể hiểu được những vấn đề chua chát của người lớn. Chính vì vậy, nếu một người phụ nữ bình thường có thể thoải mái khóc to để xả đi những uẩn ức, những đau đớn trong lòng thì với bà mẹ đơn thân, họ phải biết giấu nước mắt sau những nụ cười để đem đến cho đứa con một cuộc sống bình thường, hạnh phúc.
Trên diễn đàn Mẹ đơn thân, nơi tập trung cộng đồng các bà mẹ đơn thân lớn nhất Việt Nam, không khó để thấy những câu chuyện về khó khăn của các bà mẹ đơn thân.
Chị P.H, một nhân viên văn phòng kể lại, khi cô con gái 5 tuổi bị sốt, đưa con đi cấp cứu giữa đêm khuya, nằm trong căn phòng bệnh viện, mỗi khi tỉnh táo một chút, con chị lại nắm chặt tay chị. Con không nói nhưng chị hiểu điều cháu muốn chia sẻ. Ngay ở giường bên, một cặp vợ chồng cũng đang chăm sóc con, ông bố thì nằm khèo cạnh con ngủ ngon lành, còn người mẹ thì thức quạt cho cả 2 bố con. Hình ảnh có vẻ vô nghĩa nhưng với 2 mẹ con chị, nó lại hàm chứa quá nhiều điều. Khi đó, chị chỉ biết ôm con vào lòng, nhắc đến những chuyện vui, kể những câu chuyện trong sách để con quên đi cơn đau bệnh và quên đi cả những nỗi buồn.
Gồng lên mà sống chính là câu nói quen thuộc nhất của những người mẹ đơn thân. Gia đình trọn vẹn còn có bao nhiêu chuyện, huống chi giờ chỉ có người mẹ. Có ai hỏi, các bà mẹ đơn thân đều nói con cái là hạnh phúc vô bờ. Điều đó dĩ nhiên là đúng nhưng nó là cảm xúc, là tình cảm, còn những thứ xung quanh đứa con lại là công việc, là những nỗi lo về tiền bạc, về sức khỏe, học hành…
Rồi muôn chuyện khác trong hành trình đứa trẻ lớn lên, như “hội chứng tuổi lên 3”, đứa trẻ bắt đầu chống đối, phản bác lại người lớn. “Có hôm điên quá, đánh con xong cả hai mẹ con ôm nhau khóc”, một single mom tâm sự. Áp lực công việc, áp lực nuôi con, áp lực xã hội… tất cả đè nặng lên vai người phụ nữ. Thậm chí, đa số các bà mẹ đơn thân đều còn khá trẻ, nhu cầu tìm kiếm một hạnh phúc mới là điều bình thường và khi đó lại thêm một áp lực nữa mà cách giải quyết đôi khi lại rất mù mờ.
Chỉ là bất đắc dĩ
Xã hội ngày nay đã có cái nhìn thoáng hơn rất nhiều đối với hình ảnh người phụ nữ đơn độc nuôi con. Theo đánh giá của các chuyên gia tâm lý, cùng với vai trò ngày càng cao, càng mang tính chủ động của người phụ nữ trong cuộc sống, trong xã hội đã nảy sinh tư tưởng độc lập, không lệ thuộc trong đời sống gia đình của người phụ nữ và thậm chí xuất hiện xu hướng phụ nữ chủ động làm mẹ đơn thân ngày càng nhiều.
Thế nhưng, các chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, xu hướng như trên là một hiện tượng tiêu cực cần cảnh báo. Thực chất đa số mẹ đơn thân đều là bất đắc dĩ, nằm ngoài mong muốn của họ. Tuy nhiên, khi đối diện xã hội, tâm lý chung là cố gắng thể hiện điều vui vẻ, hạnh phúc nhất. Nhiều người phụ nữ gặp trắc trở, thất vọng về tình yêu cảm giác làm mẹ đơn thân như tìm được một hướng đi khác, hạnh phúc hơn.
Trên thực tế, các công trình nghiên cứu khoa học đã chứng minh, đứa con sinh ra không có cha sẽ thiệt thòi hơn những đứa trẻ khác, và khi lớn lên, đến trường sẽ mặc cảm với bạn bè. Thông thường khi có sự chăm sóc của cả cha và mẹ, đứa trẻ sẽ phát triển hoàn thiện hơn về mọi mặt so với những trẻ thiếu tình thương, sự chăm sóc của một trong hai người. Trẻ thiếu cha hay mẹ thường có một sự mất thăng bằng nhất định trong cuộc sống. Đó là chưa kể, người mẹ đơn thân cũng cần lưu ý đến những khó khăn, thách thức của người phụ nữ khi một thân một mình nuôi nấng con cái, những lúc khó khăn, trắc trở, hoặc con trẻ ốm đau... Nếu thiếu bóng dáng người cha, một mình bà mẹ sẽ phải gánh vác nặng nề, sẽ có những lúc chạnh lòng, tủi thân.
Cũng vì vậy, bên cạnh những lời tâm sự theo kiểu đầy lạc quan về đời sống của người mẹ đơn thân, các tác giả ra sách hay các chuyên gia tư vấn đều cho rằng việc làm mẹ đơn thân nên được xem là một tình thế bất đắc dĩ, khi không còn cách giải quyết nào khác. Không nên xem đó là một giải pháp hấp dẫn, được ưu tiên. Tuy nhiên, nếu đã không còn cách lựa chọn khác, việc chấp nhận, tự thay đổi bản thân để trở thành một bà mẹ đơn thân hạnh phúc cũng không phải là điều không thể. Điểm nhấn cuối cùng vẫn là xây dựng một cuộc sống gia đình hạnh phúc và nếu có thể vượt qua tất cả mọi khó khăn, bà mẹ đơn thân cũng vẫn có thể tìm được hạnh phúc cho gia đình nhỏ của mình.