Khi nhà có điều kiện

1. Sẽ có 1 tỷ bảng trích từ bản hợp đồng kỷ lục của giải Ngoại hạng Anh trong 3 mùa bóng (kể từ mùa 2016) được dành cho chiến lược phát triển bóng đá nội địa của nước Anh. Dù số tiền này chưa làm những người đấu tranh hài lòng nhưng rõ ràng, con số đó quá lớn. Việc không hài lòng chỉ vì số tiền được trích ra này chỉ tăng 40% so với trước trong khi bản quyền truyền hình tăng đến 70%, đạt đến 5,14 tỷ bảng, chưa kể các khoản thu từ hải ngoại có thể đem đến tổng giá trị hơn 8 tỷ bảng.

Các nhà quản lý của Anh có lý do để tranh đấu buộc các CLB Anh phải giảm bớt doanh thu. Theo kết quả kiểm toán mới nhất, lợi nhuận trước thuế của 20 CLB trong mùa giải trước lên đến 190 triệu bảng và đây là lần đầu tiên trong 15 năm, giải ngoại hạng mới có lãi. Điều này chỉ xảy ra khi bản quyền truyền hình tăng 29% trong khi quỹ lương chỉ tăng 6% nhờ quy định về số lượng cầu thủ tự đào tạo mà các CLB phải có trong đội hình (8 người).

2. Trích ra 1 tỷ bảng là rõ ràng các CLB của giải ngoại hạng chịu nhiều thiệt thòi, tuy nhiên chưa chắc là bóng đá Anh đã được lợi. 1 tỷ bảng đó sẽ được chi cho nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng chỉ có một phần nhỏ dành cho hoạt động đào tạo, phần lớn chủ yếu để hỗ trợ các CLB hạng dưới vốn rất kém về việc kiếm tiền cũng như cắt giảm giá vé cho CĐV và trả lương cho các bộ phận điều hành của bóng đá Anh. Nói cách khác, các CLB không nhận được lợi ích trực tiếp nào và việc họ phải tiếp tục mua cầu thủ nước ngoài, trả lương cao, bóng đá Anh vẫn sẽ thiếu nhân tài cho Tam sư, có khả năng tiếp tục tái diễn.

Vì sao? Vì tiền đó đến từ bản quyền truyền hình, mà để tiền bản quyền tăng thì các đội bóng vẫn phải căng sức ra thi đấu để cho mỗi vòng đấu đều phải có hơn 60-70% các trận đấu kịch tính. Một CLB yếu muốn đá ngang ngữa với CLB mạnh thì lại phải mua cầu thủ nước ngoài về thi đấu. Thiếu họ, sẽ không còn sự hấp dẫn, kịch tính cũng như giải ngoại hạng không được sự quan tâm của châu Á, châu Phi, châu Mỹ nữa.

“Cắn răng” bỏ ra 1 tỷ bảng thì 20 CLB cũng tiếc lắm. Tuy nhiên, do “nhà có điều kiện” thì họ cũng vui vẻ tán thành nhưng điều đó cũng không làm thay đổi được điều gì của bóng đá Anh. Minh chứng cụ thể nhất là quá trình đàm phán giảm giá vé theo yêu cầu của Liên đoàn CĐV Anh vẫn đang tranh cãi, khó được các CLB đồng ý.

Việt Khang

Tin cùng chuyên mục