Khi người trẻ thích ồn ào

Ra quán là phải ồn ào; cùng di chuyển phương tiện công cộng là để… thuận tiện tám; mời khách thì phải hô to “dzô dzô”… Khi một bộ phận người trẻ càng vô tư thể hiện cá tính thì địa điểm công cộng vô tình trở thành chiếc chăn hẹp.
Là nơi công cộng, quán cà phê hay nhà hàng cũng cần sự yên tĩnh nhất định
Là nơi công cộng, quán cà phê hay nhà hàng cũng cần sự yên tĩnh nhất định

Khiến người khác nhăn nhó

Chia sẻ về quan điểm tại sao bây giờ đến những nơi công cộng, vào quán cà phê ồn quá, nhất là các bạn trẻ, cười nói luyên thuyên bất kể hoàn cảnh xung quanh. Nhiều bạn trẻ nói thẳng: quán xá là nơi gặp gỡ, nói chuyện, xả stress, vui chơi, ai muốn “tìm chốn bình yên” nên vào thư viện hoặc ở nhà, muốn làm việc thì đeo tai nghe, đừng bắt người khác vào quán mà không được nói cười thoải mái.

Chúng ta thường bắt gặp hình ảnh không đẹp này ở nhiều hàng quán khi mà giới hạn của việc “nói chuyện” và “làm ồn” chưa được các bạn phân định rõ ràng. Không ai đòi hỏi sự yên tĩnh ở nơi công cộng, nhưng nơi công cộng càng không phải là chốn riêng tư để mỗi chúng ta có quyền hành xử tự do thiếu ý thức.

Chị Mai Chi (quận 3, TPHCM) chia sẻ: “Trở lại Côn Đảo - nơi phong cảnh còn chút hoang sơ và cũng ít ồn ã trong những địa điểm du lịch - vào cuối tuần rồi, tôi thất vọng khi du khách đến đây đông đã phá vỡ sự yên tĩnh của vùng đất. Vào một quán ăn gia đình, chúng tôi nhiều lần giật mình bởi tiếng “1, 2, 3 dzô dzô” ở những bàn bên cạnh. Chưa đến 21 giờ, một nhóm bật loa kẹo kéo lên hát karaoke tại bàn, thay vì chọn di chuyển vào phòng riêng. Nhóm chúng tôi phải nhanh chóng kết thúc bữa ăn, đi nơi khác để tránh tiếng ồn”.

Lâm Quang Vinh (sinh viên) cho biết: “Em đi học ở Làng đại học Thủ Đức bằng xe buýt nên nhiều lần chứng kiến cảnh các bạn xúm nhau ngồi ở 2 dãy ghế cuối để nói chuyện, giỡn hớt rất mất trật tự. Nhiều cô chú lớn tuổi đi những chuyến xe sớm đến bệnh viện khám bệnh, nhiều lần quay xuống với ánh nhìn khó chịu, nhưng có lẽ các bạn không nhìn thấy nên vẫn vô tư đùa giỡn”.

Đến bệnh viện, nhà ga… xếp hàng chờ đợi, lẽ ra cần sự trật tự để việc chung được thực hiện bài bản, nhanh chóng thì nhiều người vô tư “bà tám”. Chưa kể, có người còn tranh nhau nói nên ai cũng gào lên để nói át người khác.

Bảo vệ sự riêng tư

Quang Vinh bày tỏ quan điểm: Ở nơi công cộng, khi người khác bất đắc dĩ phải nghe câu chuyện chẳng liên quan, miễn cưỡng nghe tiếng cười ha hả của bạn, tức là bạn đang hành xử thiếu văn hóa. Tôn trọng người khác nơi công cộng không chỉ là ý thức cá nhân mà là nguyên tắc ứng xử, là tôn trọng chính mình.

Người trẻ sẽ tham gia vào thị trường lao động toàn cầu, trở thành những công dân toàn cầu thì trước hết phải loại được những thói quen xấu cố hữu, tôn trọng cái chung chính là bảo vệ cho sự riêng tư của chính mình

Th.S Tuyết Hương

Ở nhiều nước phát triển, họ sẽ tự do, thoải mái làm việc cá nhân ở chốn riêng tư và cực kỳ ý nhị ở chốn công cộng để hạn chế ảnh hưởng đến người khác. Ở nhà, bạn thích làm gì cũng được, nhưng ở nơi công cộng, “cái muốn” của cá nhân phải xếp sau mong muốn của cộng đồng. Chẳng xa xôi là nước Nhật, họ được nhắc nhở từ nhỏ là không để chuông điện thoại; muốn nghe nhạc xem phim ở nơi công cộng thì nên đeo tai nghe. Tương tự, việc sử dụng các ứng dụng trò chuyện video ở nơi công cộng có thể làm phiền người khác. Trên những chuyến tàu chật như nêm, họ thường dùng tay che miệng và nói chuyện nhẹ nhàng, khéo léo kết thúc cuộc trò chuyện nhanh nhất có thể.

Th.S Nguyễn Thị Tuyết Hương, Phó Giám đốc Truyền thông Trường ĐH Hoa Sen, từng phụ trách công tác trải nghiệm cho sinh viên, chia sẻ: Những hình ảnh chưa đẹp như thế, cá nhân chúng ta đều ít nhiều phải chứng kiến, từ phòng chờ ra máy bay, giao thông công cộng, quán nước đến những nơi trang nghiêm như đền chùa… đều xuất hiện những tiếng ồn vô duyên. Đây là thói quen của nhiều người, đáng tiếc nhất là trong đó có nhiều người trẻ. Người trẻ ngày nay có cơ hội ra ngoài nhiều, tiếp xúc với nhiều người từ những đất nước khác nhau, được tiếp cận với nhiều luồng văn hóa, nhưng vẫn giữ những thói quen không tốt: kém văn minh nơi công cộng, trễ giờ… Thói quen đó lặp đi lặp lại và trở thành bình thường. Để thay đổi thói quen, không dễ dàng. Ở gia đình, nên nhắc nhở con em mình khi ra nơi công cộng không lớn tiếng. Còn góc độ quán ăn, nhà hàng, cân nhắc giải pháp để bảng hiệu - vui lòng không làm ồn, dù sẽ dễ vấp phải ý kiến trái chiều.

Tin cùng chuyên mục