Phải chăng, chỉ vài ba món đồ miễn phí đã làm bộc lộ rõ cái dở, cái xấu không đáng của giới trẻ Việt thời hội nhập?
Bất chấp
Để quảng bá thương hiệu, thi thoảng một số nhãn hàng tung ra chiến dịch cung cấp dịch vụ miễn phí. Những tưởng đã qua thời khó khăn, cái thời phải chạy ăn từng bữa, giờ bước vào thời kỳ hội nhập, người ta sẽ hiểu được ý nghĩa của đồ miễn phí và có cách ứng xử khôn khéo với nó. Vậy nhưng, nhìn biển người trong đó có rất nhiều người trẻ chen lấn, tranh cướp thức ăn tại tiệc buffet miễn phí ở Cần Thơ thì câu trả lời trái ngược với suy nghĩ ấy. Nếu không nhìn tận mắt, thật khó để hình dung ra cảnh tượng khi ấy. Vài trăm người kéo đến chen chúc trong nhà hàng, họ đứng vây vòng trong, vòng ngoài quanh các khay đựng thức ăn, chờ nhân viên mang thức ăn tiếp vào khay là lao vào gắp lấy gắp để, mạnh ai nấy gắp. Chỉ trong tích tắc, nhân viên chưa kịp quay đi, thức ăn đã hết. Những người không lấy được thức ăn thì tỏ ra tức giận, la hét, gằn hắt, trách móc… Mặc cho nhân viên nhà hàng ra sức kêu gọi mọi người giữ trật tự, lịch sự, nhưng ai cũng mải lấy phần mình mà bỏ ngoài tai, biến không gian nơi ấy trở nên vô cùng hỗn loạn. Đáng nói, trong số những người giẫm đạp nhau vì đồ ăn miễn phí ấy, đa số là giới trẻ. Phạm Văn Hòa (sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng) tâm sự: “Thật bất ngờ bởi trong đám hỗn loạn ấy, tôi biết không ít đứa bạn vốn sính ngoại, tối ngày lấy gương giới trẻ nước người ta lên án giới trẻ Việt, rồi rao giảng phải thế này mới văn minh, thế kia mới lịch sự. Vậy mà chỉ vì bữa ăn miễn phí lại đạp đổ hết những hình ảnh mất công gầy dựng trên mạng xã hội bao lâu nay. Nói thì dễ lắm, còn ứng xử với nó thế nào mới quan trọng”. Đây không phải lần đầu hình ảnh người trẻ trở lên xấu xí khi ứng xử với đồ miễn phí. Trước đó, hàng ngàn bạn trẻ ở Hà Nội bất chấp trèo rào, giẫm đạp nhau đến ngất xỉu để được tắm miễn phí tại Công viên nước Tây Hồ; chen lấn để ăn vài miếng sushi miễn phí trên đường Đoàn Trần Nghiệp; tranh giành nhau để được uống bia miễn phí tại sân vận động Quần Ngựa; đổ xô tới những vườn hoa mở cửa miễn phí để chụp hình ở Hà Nội; hay những bạn trẻ ở TPHCM bất chấp kẹt xe đến nửa đêm để nhận suất ăn miễn phí của một thương hiệu thức ăn nhanh trong ngày khai trương…Đừng biến mình thành công cụ PR Là sinh viên có thời gian rảnh, tính cách lại thích nơi đông đúc, ồn ào nên Phương Anh (20 tuổi, ngụ quận 11, TPHCM) cùng đám bạn thân “chinh chiến” từ mini show nhận quà tặng tại siêu thị đến săn các chương trình miễn phí trên mạng và ngoài đời. Bởi vậy, mỗi khi thấy ở đâu có chương trình tặng quà, ăn uống miễn phí, bạn bè không ngạc nhiên khi thấy bóng dáng quen thuộc của Phương Anh. “Tôi biết người ta tổ chức vậy là có mục đích, nhưng tại cái tính tò mò và khi được sử dụng sản phẩm miễn phí thấy vui nên đi hoài. Tôi nghĩ hành động ấy xấu hay đẹp tùy từng người nhìn nhận, miễn tôi không làm mấy trò phạm pháp là được”, Phương Anh đáp trả những lời phê phán của cộng đồng mạng. Rõ ràng, ai cũng biết những dịch vụ miễn phí hoặc giảm giá đều là chiêu PR của một số nhà hàng, nhãn hiệu và chẳng có cách truyền thông nào hữu hiệu bằng cách đánh vào tâm lý đám đông, thích trào lưu của giới trẻ. Minh chứng là người trẻ Việt sẵn sàng bỏ vài ngày lên lớp, mất cả ngày rồng rắn xếp hàng dài trăm mét để đợi mua bằng được sản phẩm của một thương hiệu quần áo chỉ vì món quà tặng kèm; hay thong thả xếp hàng vài tiếng chỉ để mua ly trà sữa giảm giá… Nhưng cũng những bạn trẻ ấy lại tỏ ra quá bận rộn khi ai đó cần giúp đỡ, bận đến mức không thể dừng đèn đỏ hay sẵn sàng phi xe lên lề nếu chẳng may gặp phải đoạn đường hơi đông, không đủ kiên trì để tìm thùng rác mà thản nhiên quăng rác bất cứ nơi đâu chỉ vì nhanh và tiện. Chính vì nắm được tâm lý ấy mà mỗi khi muốn ra mắt thị trường Việt, các thương hiệu chỉ việc tung ra những chương trình phát quà hoặc tặng suất ăn miễn phí sẽ nhanh chóng tạo cơn sốt trong giới trẻ. Tất nhiên, giới trẻ còn hào phóng tặng lại những bức hình được các bạn check in địa điểm hoặc những đoạn livestreams trên mạng xã hội để thể hiện mình cũng năng động, cũng nhanh nhạy. Nhìn lại, giá trị món quà tặng hoặc sản phẩm được miễn phí không lớn nhưng vẫn đủ sức hấp dẫn giới trẻ đến mức các bạn bất chấp hy sinh thời gian và gạt cái tôi của mình sang một bên để lao vào tranh giành nhau, hẳn nhiều người sẽ tò mò vì đâu nên nỗi? Dù giới trẻ đã và đang nỗ lực thay đổi nhưng những hình ảnh thiếu văn minh ấy vẫn khiến họ trở nên thiếu ý thức trong mắt mọi người.