Ngay từ khi xuất hiện ở Việt Nam, Graffiti đã được nhiều bạn trẻ hào hứng đón nhận. Đây vẫn là một dấu chấm hỏi với nhiều người vì sức hút của nghệ thuật này nằm ở đâu. Chỉ khi tiếp xúc với họ, chúng ta mới phần nào cảm nhận được ngọn lửa đam mê ấy.
Con hẻm nhỏ, bức tường và bình sơn xịt
Buổi trưa hôm đó trời nắng. Khoảnh sân nhỏ của khu sinh hoạt thanh thiếu niên và người cao tuổi nằm sâu trong con hẻm 205, khu phố 5, phường 14, quận 6 bỗng chốc xôn xao bởi những thanh niên “lạ mặt”. Một năm trước, khu sinh hoạt này từng là bãi rác khổng lồ. Sau khi được cải thiện, bãi rác giờ đã là quá vãng, mở ra không gian thoáng đãng cho những cư dân nơi này.
Là người dân sinh sống lâu đời tại con hẻm, bà Hà Thị Nhiều ngơ ngác nhìn những thanh niên “lạ mặt” rồi tự hỏi không biết tụi nhỏ đang cặm cụi vẽ gì lên bức tường.
Bà Hà Thị Nhiều đứng quan sát nhóm bạn trẻ vẽ Graffti. Ảnh: THỤC QUYÊN
Bàn tay lấm đầy sơn xịt, Trang Khoa, trưởng nhóm Wallovers thao tác nhẹ nhàng, say sưa với những nét vẽ đầy màu sắc. Cái nắng hắt xuống nơi Khoa đứng nhưng chẳng làm Khoa quan tâm vì giờ đây, góc sân, bức tường, bình sơn xịt là thế giới của Khoa và các thành viên trong nhóm Wallovers.
Được sự hỗ trợ của Quận đoàn quận 6, Wallovers đã đem nghệ thuật Graffiti len lỏi vào tận con hẻm sâu với mong muốn mang hội họa đường phố làm tươi sáng không gian này.
Trang Khoa say sưa với công việc của mình. Ảnh: THỤC QUYÊN
Thế giới của các bạn trẻ là bức tường
Là những bình sơn xịt
Là đôi bàn tay lấm những vết sơn. Ảnh: THỤC QUYÊN
Sau 6 giờ đồng hồ, bức vẽ Graffiti hoàn thành. Đám con nít trong hẻm vui như hội. Đứa trẻ nào cũng khao khát được sống trong không gian xanh, đầy sắc màu. Khi không gian xanh đô thị đang ngày càng bị thu hẹp dần, một bức tường với đủ gam màu rực rỡ đã là món quà ý nghĩa với chúng.
Bức tường lôi cuốn trẻ con trong hẻm nhỏ. Ảnh: THỤC QUYÊN
Bà Nhiều cười móm mém, chia sẻ: “Lúc trưa tôi tò mò không biết mấy thanh niên đó làm gì, hóa ra là vẽ bức tranh đẹp như thế này. Tụi trẻ con trong hẻm chiều nào cũng ra đây chơi, chắc sẽ thích lắm!”.
Nói rồi bà Nhiều tần ngần đứng ngắm bức tường. Cái dáng còm cõi của bà hòa vào trong không gian ấy như sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại. Vài người dân trong con hẻm cũng chạy lại xem vì hiếu kỳ xen lẫn thích thú.
Người lớn cũng thích thú. Ảnh: THỤC QUYÊN
Khi biết đó là một bức tranh được vẽ bằng nghệ thuật Graffiti, chị Nguyễn Thị Thủy thốt lên: “Trời ơi! Tôi có nghe đến nghệ thuật Graffiti nhưng chỉ nghĩ là những thanh niên hay vẽ bậy đường phố chứ chưa từng nghĩ có những bạn trẻ vẽ Graffiti đẹp dữ thần!”.
Vài câu chuyện trò qua lại, cái tình người trong con hẻm nhỏ Sài Gòn cũng trở nên gần gũi hơn.
Khi đam mê dẫn lối
Chỉ đến khi gặp những bạn trẻ đầy sáng tạo trong nghệ thuật Graffiti, chúng tôi mới cảm nhận được ngọn lửa mãnh liệt luôn bập bùng trong họ, ở cách họ nói chuyện, cách họ chia sẻ về đam mê và những dự định của mình, về tình yêu với Graffiti.
Hiếm bạn trẻ nào khi bước chân vào con đường nghệ thuật Graffiti lại mơ mộng rằng, mình sẽ vẽ để nổi tiếng rồi kiếm tiền từ nó cả. Họ bất chấp những cuộc tranh luận đúng sai về Graffiti để tiếp tục theo đuổi đam mê. Bởi với họ, đúng hay sai không quan trọng. Quan trọng, Graffiti cho họ được sống cuồng nhiệt, say sưa trong thế giới sắc màu của mình. Nhiều bạn trẻ hiện nay chọn theo đuổi một nghệ thuật nào đó như con thiêu thân, chưa hiểu được sâu xa của nghề. Họ cứ tưởng sẽ nhanh giàu, sẽ nổi tiếng. Với người vẽ Graffiti thật thụ, sự khao khát thể hiện, đam mê tìm tòi giữa lòng hè phố giúp họ hiểu thêm giá trị thực của nghệ thuật này.
Nhiều người vẫn hiểu cách đơn giản, Graffiti là vẽ, viết chữ nguệch ngọac lên một bề mặt phẳng. Graffiti xuất hiện lần đầu tiên ở New York vào những năm 1970 và lan rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới. Từ lúc du nhập vào Việt Nam cho đến nay, Graffiti vẫn gây nhiều tranh cãi.
“Graffiti là một phần của văn hóa Hip Hop, đang có sức ảnh hưởng đến giới trẻ trong và ngoài nước. Sự phóng khoáng, không theo một luật lệ nào của Graffiti phù hợp với tính cách của người trẻ từ độ tuổi 18 đến hơn 20. Tôi đam mê Graffiti vì tôi khao khát vẽ, tôi yêu thích sự phóng khoáng, giá trị văn hóa của nghệ thuật này mang đến”, Nguyễn Hoàng Hiệp, thành viên nhóm Wallovers chia sẻ.
Nguyễn Hoàng Hiệp yêu thích Grafifti vì sự phóng khoáng, giá trị văn hóa của nghệ thuật này mang đến. Ảnh: THỤC QUYÊN
Họ vẽ vì đam mê của mình, xem đó như là hơi thở. Tuổi trẻ không thể tránh những tháng ngày chông chênh, cô độc. Đôi lúc họ thấy bế tắc trong cuộc sống, và Graffiti đã cho họ sức mạnh tinh thần, vượt qua được những tháng ngày hoang hoải đó.
Con đường đến với nghệ thuật Graffiti của Nguyễn Tấn Lực, sinh viên trường ĐH Mỹ Thuật TPHCM, từng bị gia đình phản đối. Thế nhưng, cho đến nay cũng đã gần 10 năm Lực theo đuổi Graffiti. Ở Lực là sự cần mẫn, kiên trì và cầu thị bởi Lực có một niềm tin rằng mình sẽ theo đuổi con đường này đến cùng. Niềm tin vốn dĩ là thứ lấn át được cơn sợ hãi, nghệ thuật phải dấn thân. Lực là người như thế.
Nguyễn Tấn Lực chăm chút cho tác phẩm. Ảnh: THỤC QUYÊN
Lực bảo, Graffiti là điều thú vị nhất trong những điều thú vị mà Lực từng trải qua. Lực vẽ Graffiti nhưng cũng chính là đang vẽ câu chuyện tuổi xuân của mình. Là bởi Lực muốn câu chuyện đó hiện lên như thế nào, bằng cách gì… Graffiti gần như là một thôi thúc, một ám ảnh, một trải nghiệm đặc biệt.
Khao khát một sân chơi
Sân chơi Graffiti đúng nghĩa ở Việt Nam hiện nay dường như không có. Những người trẻ như Khoa, Hiệp, Lực... đều tự mò mẫm tìm sân chơi cho chính mình. Vài năm trước, họ cũng từng lén lút vẽ Graffiti ở nơi công cộng giữa những đêm khuya. Đến nay, họ tìm thấy con đường đi rõ rệt hơn khi đưa nghệ thuật Graffiti đến gần với cộng đồng thông qua các dự án thiện nguyện. Đáng nói hơn, họ cũng có thể kiếm tiền trang trải cuộc sống khi được nhiều người thuê vẽ.
Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là Graffiti đang trở nên xấu xí trong mắt người dân TP với hàng loạt hình vẽ bôi bẩn phố phường. Khi người trẻ không có sân chơi để thể hiện và sự thiếu ý thức về không gian sống, ắt hẳn sẽ dẫn đến việc họ “đánh lén” để thỏa mãn đam mê của mình.
Hình vẽ Graffiti tràn lan trên phố gây sự khó chịu cho người dân. Ảnh: THỤC QUYÊN
Nhiều người dị ứng với những hình vẽ Graffiti vì chúng được vẽ tràn lan trên đường phố chứ không hẳn là ác cảm với loại hình nghệ thuật này. Một bộ phận không nhỏ người vẽ Graffiti đã góp phần làm bộ môn nghệ thuật này trở nên “xấu xí” trong mắt nhiều người.
Những hình vẽ Graffiti bôi bẩn một đoạn vỉa hè trên đường Tô Hiến Thành, quận 10, TPHCM. Ảnh: THỤC QUYÊN
Một hình vẽ Graffiti đẹp còn phải xuất phát từ “tâm”. Nếu theo kiểu “nửa nạc, nửa mỡ” sẽ dẫn đến mặt trái là bôi bẩn phố phường và sẽ chẳng ai cổ xúy cho hành động thiếu ý thức.
TS.KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM cho biết: “Tôi không ủng hộ việc các bạn trẻ mang danh sáng tạo nghệ thuật Graffiti để vẽ tràn lan trên đường phố nhưng nếu họ đam mê thì tự tạo câu lạc bộ, tìm nơi để vẽ thích hợp chứ không nên bôi bẩn nơi công cộng. Tất cả những ý tưởng nghệ thuật muốn đưa ra không gian công cộng thể hiện thì phải được cộng đồng dân cư ở nơi đó đồng ý”.
Hiện nay, tại một số khu dân cư, nghệ thuật Graffiti đã len lỏi vào đời sống, được sự đồng tình của người dân.
Một sản phẩm Graffiti đẹp còn xuất phát từ tâm của người vẽ. Ảnh: THỤC QUYÊN
Tại nhiều quốc gia như Pháp, Đức..., có những khu vực dành riêng cho cộng đồng Graffiti thỏa sức sáng tạo. Ở khu vực Đông Nam Á, các nước như Thái Lan, Philippines... cũng đều có những giải thi đấu cho người đam mê Graffiti.
Bàn về vấn đề này, họa sĩ Siu Quý, Phó Chủ tịch Hội Mỹ Thuật TPHCM cho biết: “Trên thế giới có nhiều quốc gia đã dần chấp nhận Graffiti, tìm cách ủng hộ người trẻ dám theo đuổi ước mơ và quảng bá bộ môn nghệ thuật đường phố này thông qua các lễ hội, các khu vui chơi. Ở những đô thị lớn ở Việt Nam hiện nay còn gì để người trẻ chơi khi những thiết chế văn hóa không được đầu tư đúng mức hoặc sai mục đích. Nhìn lại không gian sống ở đô thị, thử hỏi có mấy không gian cho người trẻ được tự do sáng tạo? Có những thiết chế văn hóa hiện hữu nhưng cũng dành đầu tư cho những dự án bất động sản, kinh doanh... Không gian dành cho hoạt động mỹ thuật lại quá khan hiếm dẫn đến việc một bộ phận người vẽ Graffiti thiếu ý thức vẽ tràn lan khắp phố phường”.
Đừng vội quy chụp
Đừng vội vàng kết luận Graffiti là văn hóa “lai căng”. Graffiti là một bộ môn nghệ thuật, là nhu cầu thật của giới trẻ hiện nay.
Theo họa sĩ Đặng Minh Thế, giảng viên khoa Hội họa, ĐH Mỹ thuật TPHCM, “Sức hút của nghệ thuật Graffiti gắn với cảnh quan, mảng màu, tạo cho người trẻ sự năng động, thoải mái sáng tạo. Cần có sự phân biệt giữa nghệ thuật bài bản và sự bôi bẩn, đừng vội quy chụp. Để Graffiti trở thành một bộ môn nghệ thuật đúng nghĩa ở Việt Nam, cần tạo sân chơi cho họ thay vì cấm đoán”.
Ở trung tâm quận 1, TPHCM từng có nhà ga 3A, những con hẻm nhỏ trên đường Lê Thánh Tôn gắn liền với những bức tường Graffiti ấn tượng trong giới trẻ. Khi những bức tường này bị dẹp bỏ, nhiều bạn trẻ hụt hẫng, thậm chí nhiều nhóm vẽ Graffiti đã tan rã.
Nhiều người yêu TP, nhìn TP thông qua những giá trị lâu đời với một hiện thực chồng lớp từ thời này sang thời khác. Ở đó, các công trình văn hóa, công trình kiến trúc, các con hẻm bình dị... cùng biết bao con người trộn lẫn đã kiến tạo một vùng đất đặc biệt.
Xây dựng TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình cần nhiều yếu tố cốt lõi. Trong đó, sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa phương Đông và phương Tây là điều không thể xem nhẹ. Chúng ta không thỏa hiệp với những cái “xấu xí” trong nghệ thuật Graffiti nhưng xét ở một khía cạnh nào đó, Graffiti là món ăn tinh thần không thể thiếu của một bộ phận giới trẻ.
Một bức tường được vẽ Graffiti trên đường Nguyễn Duy, quận Bình Thạnh được người dân đón nhận. Ảnh: THỤC QUYÊN
Theo Quyết định 2164/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030 thì hệ thống thiết chế văn hóa cấp TP và quận huyện trên địa bàn TPHCM đã vượt chỉ tiêu. Trên thực tế, ngành văn hóa TP đang đối mặt khá nhiều khó khăn khi đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm. Thế nên, xem ra bài toán về sân chơi Graffiti đúng nghĩa cho người trẻ đam mê nghệ thuật đến nay vẫn còn quá xa vời!