Bỏ thói quen xấu
Hơn 3 năm nay, Hà Bích Kiều (hiện là sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) bỏ hẳn thói quen chia sẻ lên trang cá nhân của mình những thông tin phê phán người khác hay mổ xẻ mặt trái của vấn đề xã hội. Kiều kể, đầu năm học lớp 11, đọc được câu chuyện buồn của gia đình một người bạn trong trường trên trang cá nhân của bạn bè, cô đã chia sẻ lên trang của mình.
Sau nửa ngày, cả huyện biết chuyện riêng của gia đình bạn đó, còn số người trên mạng xã hội biết thì không thể đếm được. Trước ánh mắt soi mói của dư luận, người bạn ấy đã bỏ học. Một thời gian sau, mọi người mới tỏ tường sự việc không như đồn thổi. Kiều ân hận vì hành động chia sẻ thông tin sai sự thật đã gây ảnh hưởng đến người khác, tự hứa bản thân sau này sẽ không “đi vào vết xe đổ” ấy. Cũng từ đó, cô thận trọng hơn trước các thông tin trên mạng xã hội.
Giờ nghỉ giữa ca, anh Nguyễn Thành Trung, công nhân may tại huyện Nhà Bè, tranh thủ mở trang facebook cá nhân. Anh mỉm cười khi thấy bài chia sẻ của mình về “Quán bún riêu của mẹ bầu: Nếu khó khăn xin mời vào” trên trang cá nhân sáng nay đã có 20 lượt chia sẻ và rất nhiều bạn bè để lại bình luận. Đó là câu chuyện đầy tính nhân văn, kể về việc làm của chị Trần Thị Quỳnh Mai mở quán bún riêu miễn phí cho người khó khăn.
Anh Trung cho biết, ngày trước, anh cũng chia sẻ thông tin vô tội vạ. Nhưng sau lần suýt bị lôi kéo đi tập trung đông người trái pháp luật lúc Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa của Việt Nam, anh tỉnh ngộ và từ đó luôn kiểm chứng lại thông tin trước khi chia sẻ. “Tin tức trên mạng xã hội thì đầy ra đó, lẫn lộn tốt - xấu. Nếu không tỉnh táo và có kinh nghiệm chọn lọc thì rất dễ rơi vào cạm bẫy, nhất là đối tượng thanh niên công nhân”, anh Trung bộc bạch.
Nhận diện “Fake News”
Theo anh Huỳnh Long Hồ, Bí thư Đoàn Thanh niên Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam, học sinh là lứa tuổi tiếp cận nhanh và thường xuyên với thiết bị công nghệ, cũng là đối tượng dễ bị thu hút bởi những thông tin mang yếu tố giật gân, câu view (tăng lượt xem). Nhưng, đa phần các em chưa có kinh nghiệm ứng xử đúng khi tiếp cận thông tin, nhận diện các thông tin xấu, độc. Để tạo “bộ lọc”, giúp các em tự nhận ra thông tin đúng và có trách nhiệm hơn đối với thông tin mà mình chia sẻ trên mạng xã hội, Đoàn Thanh niên TTXVN tích cực truyền tải đến học sinh cả nước qua dự án “Nói không với Fake News”.
Triển khai từ cuối năm 2019, một phần quan trọng trong dự án hướng đến học sinh, nhằm chia sẻ với các em những câu chuyện về tin giả (“Fake News”), những tác động đối với xã hội, cộng đồng và hướng dẫn các em ứng xử khi gặp những thông tin sai sự thật. Hiện dự án “Nói không với Fake News” đã có mặt ở 9 tỉnh, thành với 13 chương trình, giúp hàng ngàn học sinh hiểu và có kỹ năng xử lý với thông tin mà các em tiếp nhận.
Thời gian qua, hoạt động của câu lạc bộ (CLB) Lý luận trẻ tại các cơ sở Đoàn trên địa bàn TPHCM đã phần nào định hướng, lan tỏa những thông tin tích cực, giúp người trẻ tự đề kháng với những quan điểm sai trái. Theo anh Trương Minh Tước Nguyên, Phó Bí thư, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành đoàn TPHCM, mô hình CLB Lý luận trẻ là một trong những giải pháp giúp thanh niên ý thức hơn với các nội dung xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trên không gian mạng.
Là CLB ra đời rất sớm, hơn 20 năm qua, CLB Lý luận trẻ Trường Đại học Kinh tế TPHCM đã trở thành không gian lý luận thú vị, thu hút đông đảo sinh viên tham gia. Bên cạnh các buổi sinh hoạt định kỳ, CLB còn tổ chức các buổi tọa đàm, hội thi, diễn đàn để tạo sự hứng khởi và thu hút sinh viên đến tương tác. Đặc biệt, nội dung các chuyên đề luôn bám sát vấn đề “nóng” trong xã hội, tạo nên diễn đàn để sinh viên thảo luận sôi nổi.
Còn tại CLB Lý luận trẻ Trường Đại học Sài Gòn, ban chủ nhiệm đã thành lập nhóm thảo luận, nhờ đó các thông tin trái chiều, lệch hướng được phát hiện sớm. Theo Chủ nhiệm CLB Lý luận trẻ Trường Đại học Sài Gòn Phạm Thị Phương Mai, mỗi người trẻ cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để tự sàng lọc, kiểm chứng khi tiếp nhận các thông tin. Khi sử dụng mạng xã hội một cách thông thái, người trẻ đã góp phần bảo vệ nền tảng, tư tưởng đúng đắn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Dưới góc độ tâm lý, Tiến sĩ Đào Lê Hòa An phân tích, “đề kháng” với thông tin xấu, độc không tự nhiên mà có. Đó là kết quả của sự rèn luyện, trau dồi về nhận thức; là sự tiếp nhận của người trẻ từ môi trường sống, môi trường học tập và làm việc. Dĩ nhiên, mỗi cá nhân phải chủ động trong nhận thức theo hướng nhân văn, tích cực. |