* PHÓNG VIÊN: Bên cạnh mặt tích cực, không ít những thông tin trên MXH tác động tiêu cực đến thanh niên Việt Nam. Trung ương Đoàn đánh giá như thế nào về “sức đề kháng” của thanh niên hiện nay trước những thông tin xấu, độc?
Anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn
- Anh NGUYỄN ANH TUẤN: Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ người sử dụng Internet, MXH cao, với hơn 68 triệu người dùng Internet, hơn 65 triệu người sử dụng ít nhất 1 MXH, mà 3/4 trong số đó là thanh niên. Kết quả nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu thanh niên cho thấy, hơn 90% thanh niên được khảo sát đang sử dụng MXH.
Các khảo sát cũng cho thấy, nhận thức và kỹ năng sử dụng MXH của thanh niên đã tăng lên nhiều so với trước. Phần lớn các bạn trẻ nhận thức đúng đắn về MXH và sử dụng đúng cách; biết chọn lọc và nhận diện đúng - sai. Đồng thời, rất đông thanh niên tiếp cận nhanh và hưởng ứng tích cực các xu hướng, trào lưu mới mang lại lợi ích cho cộng đồng cũng như thể hiện tính tích cực xã hội của tuổi trẻ.
Tuy nhiên, cũng có những nguy cơ hiện hữu đối với thanh niên trên MXH, như việc sử dụng thái quá dẫn đến chứng “nghiện MXH” làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. Một số bạn trẻ không có khả năng chọn lọc và xử lý thông tin dẫn đến bị lợi dụng, kích động hoặc làm theo những trào lưu xấu, độc, gây ảnh hưởng đến bản thân, gia đình và xã hội.
MXH còn tạo ra những mối quan hệ phức tạp, khiến các bạn trẻ đối diện với nguy cơ bị lừa gạt, bị bắt nạt trên mạng, thậm chí cả việc sử dụng những thông tin riêng tư cho những mục đích sai trái hay xâm hại và bóc lột… Những hiện tượng tiêu cực ấy đang trở thành mối nguy hại ảnh hưởng đến lối sống, tư tưởng, tinh thần, trách nhiệm và thái độ của thanh, thiếu niên nước ta hiện nay.
* Trong bối cảnh đó, Trung ương Đoàn đã có những cách làm nào thu hút sự quan tâm của thanh niên, giúp thanh niên tăng “sức đề kháng” trước những thông tin sai trái, xuyên tạc và “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch?
- Trước hết, Trung ương Đoàn tiếp tục tập trung vào việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đoàn viên thanh niên; chủ động tạo ra các hoạt động bổ trợ, thúc đẩy, tác động hình thành các xu hướng tích cực (hot trend) đến giới trẻ.
Bên cạnh đó, các tổ chức Đoàn cũng thường xuyên cung cấp các thông tin chính thống, phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát và yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ gỡ bỏ các kênh thông tin có nội dung tiêu cực, sai sự thật, tác động xấu đến thanh thiếu nhi.
Thời gian qua, một số mô hình tốt mà chúng tôi đã triển khai hiệu quả là cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”, trong đó vận động cán bộ, đoàn viên, thanh niên thường xuyên đăng tải (post), thích (like), chia sẻ (share) những tin tốt, câu chuyện đẹp, bình luận (comment) những thông tin tích cực theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”.
Để phong trào có sức lan tỏa, chúng tôi khuyến khích các văn nghệ sĩ trẻ, người nổi tiếng, có uy tín sản xuất các sản phẩm truyền thông, những tác phẩm nghệ thuật giàu tính nhân văn, có tác dụng giáo dục đăng tải trên không gian mạng.
Một mô hình tốt nữa là “Câu lạc bộ lý luận trẻ”, tạo ra một diễn đàn, sân chơi giúp các bạn trẻ bày tỏ suy nghĩ, nhận xét cá nhân đối với những vấn đề giới trẻ quan tâm như các sự kiện nổi bật trong nước và quốc tế, những góc nhìn mới mẻ về hiện trạng đất nước, các vấn đề cần đặt ra đối với tổ chức Đoàn - Hội - Đội. Tại diễn đàn này, các bạn trẻ đã cùng nhau thảo luận, phân tích, nhận diện đúng - sai một cách thấu đáo, tạo cơ sở lý luận phản bác lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Nhiều tổ chức Đoàn tại các địa phương như TPHCM, Hà Nội, Bình Dương… đã làm rất tốt các mô hình này. Cùng với đó, chúng tôi xây dựng, nâng cấp, sử dụng hiệu quả các kênh thông tin trên không gian mạng với các bộ công cụ tuyên truyền hiện đại như: infographic, motion graphic, video clip, phim ngắn. Đồng thời, các tổ chức Đoàn tạo ra nhiều hoạt động, hội thi, cuộc thi trực tuyến trên MXH, ứng dụng di động để thu hút đông đảo thanh niên tham gia.
Sinh hoạt Câu lạc bộ lý luận trẻ của Thành đoàn Hà Nội
* Nhưng những tác động tiêu cực từ không gian mạng không dừng lại mà còn có những nguy cơ, diễn biến khó lường hơn. Vậy, Trung ương Đoàn có những chương trình, kế hoạch gì giúp thanh niên tăng “sức đề kháng” trong giai đoạn tới?
- Thời gian tới, tình hình trong nước và thế giới sẽ có nhiều biến động phức tạp, khó dự báo. Các thế lực thù địch vẫn tăng cường các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước với những phương thức, thủ đoạn mới, trong đó mũi nhọn là sử dụng MXH và đối tượng chúng nhắm tới chủ yếu là thanh niên.
Do đó, Trung ương Đoàn sẽ phải tiếp tục đổi mới cách thức hoạt động phù hợp với giới trẻ, nắm bắt và định hướng kịp thời tư tưởng, dư luận xã hội trong thanh niên trước những vấn đề mới nảy sinh.
Chúng tôi sẽ tận dụng tối đa ưu thế của các công cụ, phương tiện truyền thông hiện đại và duy trì, phát triển ứng dụng di động Thanh niên Việt Nam, biến ứng dụng thực sự trở thành một tiện ích hữu dụng. Thông qua đó, chúng tôi tập hợp thanh niên, cung cấp kịp thời những thông tin chính thống và định hướng tư tưởng thanh niên.
Đặc biệt, Trung ương Đoàn sẽ chủ động cung cấp thông tin, trang bị kiến thức, phương pháp, kỹ năng để thanh niên tự phòng ngừa, tự sàng lọc, tự đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, chống phá; tham gia bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ an ninh tư tưởng, an ninh văn hóa trên không gian mạng.
Tôi tin rằng, với những giải pháp sát với thực tế như vậy, chúng tôi sẽ hỗ trợ kịp thời cho các bạn trẻ Việt Nam đủ “sức đề kháng” trước những thông tin tiêu cực, sai trái.