Khi ngành bưu chính làm thương mại điện tử

Trong 2 năm qua, mặc dù đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam vẫn tăng trưởng khoảng 18%. Lượng hàng hóa giao dịch qua các kênh trực tuyến tăng nhanh kéo theo nhu cầu dịch vụ chuyển phát bùng nổ. Đó là cơ hội lớn cho ngành ngành bưu chính Việt Nam.

Hiện các doanh nghiệp bưu chính Việt Nam đã thành lập nhiều trung tâm khai thác lớn ứng dụng công nghệ hiện đại để kết nối các dịch vụ, triển khai và thúc đẩy TMĐT, logistics, tạo đà cho phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong năm 2021, doanh thu toàn ngành bưu chính đạt 37.000 tỷ đồng (tăng khoảng 800 tỷ đồng so với năm 2020). Trong đại dịch Covid-19, có thể khẳng định, ngành bưu chính Việt Nam đã biến nguy thành cơ, tận dụng và phát huy được lợi thế và phát triển mạnh mẽ.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, nhiều thời điểm, một số địa phương đã buộc phải “ngăn sông, cấm chợ”, thực hiện phong tỏa cục bộ thì ngành bưu chính vẫn hoạt động xuyên suốt. Đặc biệt là vai trò của 2 doanh nghiệp bưu chính hàng đầu là Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Tổng Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post).

Ngoài việc vận chuyển, đảm bảo lưu thông hàng hóa trong mọi điều kiện, với ưu thế về hạ tầng, mạng lưới của mình, 2 doanh nghiệp này đã tham gia thành lập 2 sàn TMĐT (Postmart.vn và Voso.vn) với mục tiêu lớn nhất là giúp các hộ nông dân Việt Nam đưa hàng hóa lên sàn TMĐT, kết nối tiêu thụ các mặt hàng nông sản trong quá trình dịch bệnh phức tạp. Tính đến tháng 12-2021, đã có gần 4 triệu hộ sản xuất nông nghiệp được đưa lên 2 sàn TMĐT nói trên, với 70.000 giao dịch.

Thông qua 2 sàn TMĐT này, trong năm 2021, hàng trăm tấn vải thiều Bắc Giang đã được xuất đi Nhật Bản, Australia và châu Âu đúng quy trình, tiêu chuẩn quốc tế. Hàng chục loại nông sản đặc hữu của nhiều vùng miền đã đến tay người tiêu dùng cả nước một cách thuận lợi, dễ dàng…

Việc các công ty bưu chính tham gia hỗ trợ tiêu thụ nông sản đã giúp nông dân giảm đến mức thấp nhất rủi ro được mùa mất giá hay lo ngại bị thương lái ép giá. Quan trọng hơn, người nông dân còn có cơ hội tiếp cận với kênh bán hàng hiện đại mới là TMĐT, qua đó có kinh nghiệm và kỹ năng để thích nghi dần với nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ. Các doanh nghiệp bưu chính cũng coi đây là cơ hội chuyển mình, mở rộng không gian hoạt động, tạo tiền đề cho sự đột phá mạnh mẽ hơn trong kỷ nguyên số sắp tới.

Rõ ràng, ngành bưu chính Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển bứt phá, trở thành hạ tầng của nền kinh tế số. Đó là khi các mô hình kinh doanh nền tảng chia sẻ, mô hình kinh doanh TMĐT và bán lẻ thế hệ mới bùng nổ sẽ cần đến một hạ tầng chuyển phát rộng khắp để đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng. Với mạng lưới bưu chính hơn 21.600 điểm phục vụ đến tận cấp xã, cùng gần 100.000 lao động, có thể đưa hàng hóa tiêu thụ khắp nơi trong cả nước cũng như vươn xa trên thế giới. Đây là lợi thế không phải lĩnh vực nào cũng có được.

Thời gian tới, khi các thiết bị thông minh được phổ cập, hạ tầng bưu chính cần trở thành cầu nối hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho hoạt động TMĐT, đặc biệt là ở địa bàn nông thôn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn; qua đó, chủ động mở rộng không gian hoạt động, hệ sinh thái, tạo cơ hội phát triển thành lĩnh vực có quy mô kinh tế lớn, đóng vai trò huyết mạch trong đời sống kinh tế - xã hội đất nước.

Tin cùng chuyên mục