Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri TPHCM gửi tới sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chuyển đến.
Trong đó, trả lời đề nghị của cử tri TPHCM về việc các ngân hàng thương mại có trách nhiệm mua lại trái phiếu đã trung gian chào bán cho các nhà đầu tư, Thống đốc nêu rõ, các quy định pháp luật có liên quan (như Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31-12-2022 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (đã được sửa đổi, bổ sung; Nghị định 08/2023/NĐ-CP ngày 5-3-2023 (sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 34 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP); Thông tư số 40/2011/TT-NHNN ngày 15-12-2011 quy định về việc cấp giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam (đã được sửa đổi, bổ sung)…
Căn cứ các quy định nêu trên, người đứng đầu ngành ngân hàng cho biết, doanh nghiệp phát hành trái phiếu có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc và lãi trái phiếu cho nhà đầu tư theo các điều khoản, điều kiện của trái phiếu. Đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu bằng đồng Việt Nam theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu rõ: “Ngân hàng thương mại có trách nhiệm mua lại trái phiếu doanh nghiệp trong trường hợp ngân hàng thương mại thực hiện hoạt động đại lý phát hành và có cam kết, ký hợp đồng với nhà đầu tư về việc mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành”.