Không quay phim, chụp ảnh ở khu vực cấm
Theo quy định tại Điều 18 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính, việc quay phim, chụp ảnh, vẽ sơ đồ ở khu vực cấm hay khu vực cấm liên quan đến quốc phòng, an ninh đều sẽ bị phạt xử lý vi phạm hành chính với mức phạt 1 - 3 triệu đồng và 5 - 10 triệu đồng.
Ngoài bị phạt tiền, người vi phạm có thể bị thu hồi tài liệu, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Theo quy định tại Điều 2 Quyết định 160/2004/QĐ-TTg thì khu vực cấm, địa điểm cấm bao gồm: các công trình phòng thủ; khu vực công nghiệp quốc phòng, công an; khu quân sự, khu công an, doanh trại quân đội, doanh trại công an, sân bay quân sự, quân cảng, kho vũ khí của quân đội, công an; kho dự trữ chiến lược quốc gia; các công trình, mục tiêu đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội; khu vực biên giới (trừ các nơi được Chính phủ cho phép).
Các khu vực, địa điểm được xác định là cấm phải cắm biển “khu vực cấm”, “địa điểm cấm”, với mẫu biển theo quy định thống nhất do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.
Theo quy định tại Khoản 4 và Khoản 5 Điều 66 Nghị định 167, giám đốc công an cấp tỉnh được quyền phạt tiền đến 20 triệu đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội và lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội cùng với việc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 20 triệu đồng. Với mức phạt từ 8 triệu đồng trở xuống thì thẩm quyền ra quyết định xử phạt thuộc về trưởng công an cấp huyện.
Cá nhân có quyền với hình ảnh của mình
Theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình; việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Như vậy, hình ảnh của mỗi người đều được pháp luật bảo vệ, người nào có nhu cầu sử dụng đều phải xin phép; ngoại trừ các trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ: hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Nếu sử dụng hình ảnh gây ảnh hưởng, thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định xử lý, yêu cầu bồi thường thiệt hại nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Gần đây, nhiều người lắp camera để giám sát an ninh nhà mình, nhưng lại chĩa thẳng vào nhà hàng xóm, ghi nhận các hình ảnh mang tính chất riêng tư. Theo Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân là bất khả xâm phạm.
Do vậy, việc gắn camera chĩa sang nhà khác phải được các thành viên của nhà đó đồng ý. Nếu không nhận được sự đồng ý mà vẫn cố tình thực hiện thì đây là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật hành chính và hình sự chưa điều chỉnh.
Đối với yêu cầu mang tính dân sự, việc xác định có hậu quả hay thiệt hại để bồi thường vẫn còn là vấn đề khó khăn.
Trong trường hợp này, cần yêu cầu hàng xóm không tiếp tục thực hiện hành vi, nếu như hàng xóm vẫn không chịu, người bị xâm phạm có thể yêu cầu các đơn vị thừa phát lại lập vi bằng để làm căn cứ cho yêu cầu đối với tòa án. Tòa án sẽ dựa vào các chứng cứ này để xem xét và ra quyết định.