Khi một ngày không còn đủ 24 giờ

“Tình yêu anh dành cho em không còn đủ đầy như trước. Không phải vì tình cảm của anh mà là do Trái đất” là một trong rất nhiều status dí dỏm của các netizen xung quanh sự kiện Trái đất tự quay nhanh hơn đang làm xôn xao cộng đồng mạng.

Không bất thường

Những năm gần đây, Trái đất tự quay nhanh hơn và một ngày dần ngắn lại. Sự thay đổi này diễn ra rất nhỏ khiến chúng ta không thể cảm nhận. Năm 2020, có 28 ngày phá kỷ lục ngày ngắn nhất, trong đó, ngày 19-7-2020 là ngày ngắn nhất bởi Trái đất quay xong một vòng nhanh hơn 1,4602 mili giây (1 mili giây = 1/1.000 giây) so với mức bình thường. Năm 2021 vẫn sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng này, trở thành năm ngắn hơn bao giờ hết. Một ngày trung bình trong năm nay sẽ trôi nhanh hơn 0,5 mili giây so với thông thường. Đó chính là nguyên nhân khiến người ta “than thở” bởi chỉ còn 23 giờ 59 phút và 59,9998927 giây như hôm 3-1 vừa qua… để yêu.

Trên thực tế, đây không phải hiện tượng bất thường, vì vòng quay Trái đất luôn thay đổi một chút do hoạt động của áp suất khí quyển, gió, dòng hải lưu và chuyển động của lõi Trái đất.

Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2015 được công bố trên Science Advances cho thấy, sự nóng lên toàn cầu có thể là lý do đằng sau vòng quay nhanh hơn của Trái đất. Khi các sông băng tan chảy, sự phân bố lại khối lượng khiến Trái đất dịch chuyển và quay nhanh hơn trên trục của nó.

Khi một ngày không còn đủ 24 giờ ảnh 1 Trái đất tự quay nhanh hơn không có gì đáng báo động
Năm 2020 được xem là một năm cực đoan đối với nhiệt độ Trái đất. El Niño là hiện tượng ấm lên tự nhiên theo chu kỳ của vùng biển nhiệt đới Thái Bình Dương, trong khi La Niña, được quan sát vào cuối năm 2020, là hiện tượng làm nguội đi tự nhiên của cùng một khu vực ở Thái Bình Dương. Trong khi El Niño làm giảm tốc độ quay của Trái đất, thì La Niña có xu hướng gây tác động ngược lại.

Những thay đổi về độ dài của một ngày tiêu chuẩn chỉ được phát hiện sau khi con người phát minh ra các đồng hồ nguyên tử siêu chính xác trong những năm 60 của thế kỷ trước.

Các nhà khoa học tại Cơ quan quan sát Trái đất quay (IERS) đo thời điểm chính xác một ngôi sao cố định đi qua một vị trí trên bầu trời. Họ biểu thị phép đo này là giờ quốc tế, sau đó so sánh với giờ nguyên tử, một thang đo thời gian được tính bằng đồng hồ nguyên tử siêu chính xác. Từ đó, người ta có thể biết tốc độ quay Trái đất đang lệch bao nhiêu so với chuẩn. Những năm trước đây, tốc độ quay Trái đất chậm lại khiến cứ mỗi 1,5 năm, các nhà khoa học lại điều chỉnh giờ phối hợp quốc tế (UTC) tăng thêm 1 giây nhuận. Từ thập niên 1970 đến nay, đã có 27 giây nhuận được thêm vào. Tuy nhiên, tháng 7-2020, IERS thông báo không có giây nhuận nào được thêm vào bởi Trái đất đã quay nhanh hơn.

Tranh cãi giây nhuận âm

Trong năm 2021, đồng hồ nguyên tử bị lệch đi 19 mili giây do Trái đất quay nhanh hơn. Do đó, nhà khoa học đang cân nhắc có nên thêm 1 giây nhuận âm, tức trừ 1 giây thay vì cộng vào. Nhà vật lý Peter Whibberley thuộc Phòng thí nghiệm vật lý quốc gia Anh cho rằng, việc thêm vào giây nhuận âm là cần thiết nếu Trái đất tiếp tục quay nhanh. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nói liệu điều này có thể xảy ra hay không.

Một số ý kiến cho rằng, giây nhuận có cả ưu lẫn khuyết điểm. Chúng giúp đảm bảo các quan sát thiên văn được đồng bộ hóa với thời gian trên đồng hồ, nhưng giây nhuận cũng có thể gây rắc rối cho một số ứng dụng định vị và cơ sở hạ tầng viễn thông.

Năm 2012, sau khi một giây nhuận được thêm vào, các phần mềm, trang web như Mozilla, Reddit, LinkedIn… đều báo cáo các sự cố sập mạng. Hệ điều hành Linux gặp rất nhiều vấn đề, trong khi các chương trình vi tính viết bằng ngôn ngữ lập trình Java đều trục trặc.

Một số nhà khoa học tại IERS gợi ý, để khoảng cách giữa thời gian thiên văn và thời gian nguyên tử lệch đến khi cần 1 giờ nhuận, điều này giảm thiểu sự gián đoạn cho các cơ sở hạ tầng viễn thông.

Hãng tin Sputnik dẫn quan điểm của các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu khoa học toàn Nga về đo lường kỹ thuật vật lý và kỹ thuật vô tuyến kết luận rằng, hiện tượng Trái đất quay nhanh hơn không phải là cái gì đó đáng sợ và đáng báo động. Chỉ là hiện tượng này ảnh hưởng đến công việc của các nhà chấm công quốc tế, những người sử dụng đồng hồ nguyên tử siêu chính xác để đo UTC.

Tin cùng chuyên mục