1. Nhà chị Kim Phụng ở quận 10, TPHCM khá neo đơn. Hai vợ chồng đều là công chức nhà nước, sống với cha già hơn 90 tuổi và 2 con (đứa 15, đứa mới lên 5). Đợt bùng dịch thứ 4, cả gia đình chị cố gắng ở nhà suốt. Chị làm việc online, hạn chế ra đường. Chỉ có chồng chị vì công việc cần phải đến cơ quan nên vẫn đi đi về về trong ngày.
Đến giữa tháng 6, chị Phụng đi mua thuốc và vô tình trở thành F2, vì có một ca F0 từng đến nhà thuốc này. Sau khi hoàn tất việc khai báo y tế tại địa phương, ngay chiều hôm đó chị Phụng nhận được quyết định của UBND phường về việc thực hiện áp dụng biện pháp cách ly tại nhà vì tiếp xúc gần với F1 là nhân viên nhà thuốc.
Cầm tờ quyết định trong tay, chị Phụng trải qua cảm xúc hỗn loạn, trộn lẫn giữa lo lắng, hoang mang và căng thẳng. Sau khi tính toán, chị bàn bạc với chồng rồi gom ít đồ chuyển vào căn phòng nhỏ của con gái để ở một mình, con gái chuyển sang phòng ngủ của ba mẹ và em trai để tá túc.
Tính đến quyết định này vì chị suy nghĩ, sinh hoạt chung thường nhật, nếu lỡ chị mắc Covid-19 thì cả nhà nguy to. Cha già tuổi cao sức yếu, có bệnh nền, mức độ nguy hiểm tính mạng càng cao. Con trai nhỏ mới 5 tuổi, nếu con phải đi cách ly tập trung một mình lại càng khó, càng khổ.
Sau quyết định tách riêng, mọi việc của gia đình chị không đơn giản dừng lại ở đó. Đứa nhỏ 5 tuổi hàng ngày quen quấn quýt mẹ, ngủ với mẹ, ăn chơi cùng mẹ, bỗng dưng nghe bị mất hơi mẹ dài ngày là khóc sướt mướt không chịu. Bé thấy mẹ dọn đồ vào phòng chị hai, cũng muốn vào phòng chị để ở chung với mẹ, bất kể ba và chị năn nỉ, dỗ dành.
Chị Phụng ngồi trong phòng, ráng kiềm cơn xúc động, dỗ dành con rằng mẹ không được khỏe nên ở phòng chị để giữ sức khỏe cho cả nhà. Chị giải thích cho con hiểu tại sao phải ở riêng, rồi hứa hẹn khi nào có kết quả xét nghiệm âm tính là mẹ ra khỏi phòng với con liền.
Chị Phụng mất cả buổi trời để trả lời cho hết những thắc mắc xung quanh việc tại sao mẹ không ngủ với con, không chơi với con… Rồi con trai cũng chấp nhận chuyện mẹ sẽ không ở cạnh bên trong nhiều ngày. Nhưng đến tối, con cứ sụt sịt miết, lăn lóc mãi mà không chịu ngủ như thường lệ. Ba phải gọi điện cho mẹ để con trai được trò chuyện. Được nghe mẹ nói chuyện, mẹ dỗ dành, thấy mẹ trong điện thoại thì con mới chịu nằm yên ngủ. Chuỗi ngày sau đó, hai mẹ con, người trong phòng, người ngoài phòng, cách nhau một cánh cửa đóng kín, tíu tít nói chuyện với nhau, ngày năm ba bận.
2. Chị Phụng thương con nhỏ chưa từng rời xa vòng tay ấp ủ giấc ngủ mỗi đêm của mẹ, giờ cũng buộc phải chịu xa mẹ ước chừng cả nửa tháng ròng. Mặt khác, khi chịu “giam lỏng” mình trong 4 bức tường, chị phải nhờ chồng quán xuyến, gồng gánh chăm lo hết việc trong ngoài của gia đình. Các số điện thoại mối quen chợ búa, chị chuyển cho anh gần hết. Sau khi chị điện thoại đặt hàng, anh chịu khó thu xếp thời gian để ghé qua chợ, chỗ quen lấy hàng hóa, nhu yếu phẩm về dùng. Bữa cơm hàng ngày chị cũng phải cậy nhờ anh lo toan. Với con gái lớn, chị đánh tiếng nhờ: “Con ráng phụ ba một tay, phụ mẹ chăm em nha. Ba đi làm vất vả, về còn ôm việc nhà, chăm ông ngoại, con và em, ba sẽ rất mệt”…
Mỗi ngày như thế qua đi. Ngoại trừ 2 lần chị rời khỏi nhà đi xét nghiệm theo yêu cầu của cơ sở y tế địa phương, còn lại, toàn thời gian chị tự nhốt mình trong căn phòng nhỏ, nơi ăn uống, ngủ nghỉ và làm việc online. Sau hơn 10 ngày, chị được địa phương phát cho tờ quyết định kết thúc áp dụng biện pháp cách ly tại nhà với 2 lần xét nghiệm âm tính, người nhà là F3 cũng xét nghiệm âm tính. Ngày cửa phòng nhỏ mở, cả nhà ai nấy vui mừng khôn xiết.
Chị Lê Thơ ở quận 11, TPHCM, cũng có hoàn cảnh là F1 éo le. Chị vô tình tiếp xúc F0 mà không biết, đến khi có thông báo truy vết các ca liên quan đến F0, chị lập tức được đưa đi cách ly ở KTX sinh viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM trên đường Lạc Long Quân. Lúc này, cả gia đình cũng bị cách ly tại nhà vì là F2. Đứa con gái nhỏ mới hơn 4 tuổi cứ khóc suốt vì nhớ mẹ. Ba dỗ dành mãi đến giận, la rầy con, bé sợ nên chịu nín.
Mỗi ngày, chị Thơ lại gọi về nhà 4-5 lần để dỗ dành con, nghe con huyên thuyên trò chuyện. Nhiều lần chị rơi nước mắt vì thương con nhỏ phải xa mẹ, ở nhà chỉ có ba và cậu Tư chăm sóc. Cũng bởi, cách mẹ chăm sóc con bao giờ cũng khác ba và cậu. Chuyện gì mẹ cũng chiều chuộng, hay thủ thỉ trò chuyện và vui chơi với con.
Tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, không ai có thể lường trước. Vậy nên, khi mẹ là F, người nhà là F, nhiều gia đình bắt buộc phải thay đổi thói quen cuộc sống, cố gắng thích nghi hoàn cảnh. Hơn thế nữa, cũng từ những “chia cách tạm thời” trong mùa dịch: giãn cách xã hội, các địa phương thực hiện Chỉ thị 15, 16..., nhiều gia đình có thêm thời gian vun vén tình cảm, có nhiều thời gian bên nhau, hiểu và chia sẻ với nhau hơn, thể hiện sự quan tâm và tình yêu thương mà đôi khi trong cuộc sống tất bật trước kia từng vô tình bỏ lỡ, ít nhiều có chút phai nhạt…