LTS: Trục lợi lòng tốt của người khác là một hành vi đáng lên án. Đáng nói, hành vi này đang có dấu hiệu lan rộng, nhất là trong dịp rằm tháng Bảy (âm lịch) và dịch Covid-19. Những ngày này, trên một số tuyến đường tại TPHCM, số lượng người đi xin gia tăng một cách đáng kể. Bên cạnh những hoàn cảnh thật sự khó khăn cần sự giúp đỡ qua lúc ngặt nghèo, còn có một số lượng không nhỏ người hoàn toàn bình thường nhưng xem ăn xin là nghề chuyên nghiệp. Phóng viên Báo SGGP, trong nhiều vai, đã có trải nghiệm thực tế xung quanh “nghề đi xin” ở thành phố.
“Đồ ăn thôi, chứ có tiền bạc gì đâu”, câu trả lời lạnh ngắt của người phụ nữ trên đường 3 Tháng 2 (đoạn gần chùa Việt Nam Quốc Tự) mở đầu cho những ngày nhập vai vất vả của chúng tôi. Dứt lời, người phụ nữ ngoảnh mặt đi, tiếp tục câu chuyện với người kế bên và mắt thì dõi theo dòng xe cộ để chờ những nhóm từ thiện phát quà đêm.
Muốn xin phải biết “mánh”
Hơn 8 giờ tối, trong bộ dạng lôi thôi của một người đi xin, tôi ngồi lại và lân la bắt chuyện cùng hai phụ nữ độ chừng 50 tuổi, đang ngồi dưới gốc cây trước cổng chùa Việt Nam Quốc Tự cùng đứa nhỏ chừng 15, 16 tuổi.
“Đi xin đồ hả? Ở đâu tới đây? Mấy nay xin chỗ nào?”, người phụ nữ ngồi cạnh tôi hỏi. Chỉ tay về phía sau lưng, tôi trả lời: “Con ngồi ở đường này, mà tuốt đằng kia”. Tôi dứt lời, người phụ nữ ngồi sát lề đường nhanh miệng: “Xin được không? Có tiền, có gạo không?”. “Có đồ ăn thôi cô”, tôi đáp. Người phụ nữ ngồi cạnh tôi nói tiếp: “Ở đây cũng vậy. Đồ ăn thôi, chứ có tiền bạc gì đâu”, rồi chỉ tôi lên gốc cây phía trước ngồi vì ngồi một chỗ đông quá, người ta sẽ không cho. Quay sang đứa nhỏ, người phụ nữ này nói tiếp: “Con lên phía trước ngồi với chị đi, để 2 dì ngồi đây, ngồi đông quá người ta không cho”.
Lời cô H. nói như một “mánh”, muốn xin quà từ thiện ở đây thì phải hiểu, không được ngồi nhóm đông. Theo quan sát của chúng tôi, dọc hai bên đường 3 Tháng 2, người xin quà từ thiện ngồi theo nhóm, mỗi nhóm tối đa khoảng 5 - 6 người và các nhóm có khoảng cách với nhau theo gốc cây trên đường.
Ngồi cùng tôi, em giới thiệu tên V., 15 tuổi, nhà ở hẻm trên đường Hồ Thị Kỷ (quận 10), cho biết mình mới ra đây xin được hai bữa. Em kể, hai người phụ nữ vừa nói chuyện với tôi lúc nãy là hàng xóm sát bên nhà em: “Cái bà ngồi kế bên chị tên H. nhà sát bên nhà em luôn, còn bà kia là chị của bà đó, nhà cách nhà em mấy căn, tên gì em quên rồi. Tháng Bảy này bả rủ em đi xin gạo miết, bữa nay rủ ra đây, ở nhà không có gì làm nên em đi theo luôn”.
Ngồi hơn 5 phút, tôi hỏi tiếp: “Mình ngồi đây không biết có ai cho không em?”. V. nhìn tôi cười, rồi nói: “Chị yên tâm, chịu khó ngồi chút người ta cho đồ quá trời. Hôm qua, em hên, gặp nhóm kia cho được phần quà với 2 kg gạo, còn ngày thường nhiều nhất là đồ ăn thôi chị”.
Hơn 10 phút, vẫn chưa có nhóm từ thiện nào đến cho, tôi và V. di chuyển lên đoạn trước Nhà hát Hòa Bình. Đi ngang nhóm 3 người phụ nữ đang ngồi ngay đó, chỉ tay về phía người phụ nữ áo xanh nhạt, tay cầm theo hai túi ni lông lớn, V. nói: “Bà đó cũng là chị bà H. luôn, bả xin được lắm chị, tối nào em cũng thấy xách về 2 bao đồ bự chảng”.
“Đồ nhiều vậy sao ăn hết em?”, tôi hỏi. V. đáp: “Ăn nhiêu thì ăn không thì đem cho lại, bả chủ yếu xin mấy cái đồ bán lại được như mì, gạo, dầu ăn, nước tương, kiếm thêm quánh đề đó chị ơi”.
V. rời đi, tôi đứng lóng ngóng, một người đàn ông chở đồ từ thiện đi ngang liền dúi vào tay tôi ổ bánh mì ngọt và một hộp sữa. Anh nói: “Lấy đi đừng ngại, anh đi từ thiện khu này hoài. Em muốn gạo, mì gói thì đợi tuần sau đi, chứ nhóm tụi anh mới phát gạo hôm qua rồi, tuần sau mới phát tiếp. Bữa nay, chỉ có bánh với sữa mà hên còn hộp cuối cùng đó. Con đường này đông quá, người ta có cho cũng chỉ phần nào thôi”.
Anh nói tiếp: “Tháng Bảy này mấy chỗ chùa hay công ty làm ăn lớn, họ phát phiếu rồi nhận quà, em nên tới mấy chỗ đó nhận, ngồi đây không an toàn đâu”. “An toàn” mà anh nói là gì tôi cũng không rõ, anh rời đi tôi vẫn lang thang trên đường 3 Tháng 2 hướng về phía Công trường Dân chủ.
Một người đàn ông hơn 50 tuổi, rời khỏi nhóm người ngồi gần cửa hàng điện thoại, đưa tôi một túi ni lông lớn có mấy hộp đồ ăn, bánh ngọt, sữa và vài cái khẩu trang rồi nói: “Xin quà từ thiện hả? Thôi đừng ngồi đây, cầm túi này rồi theo anh”. Tôi lắc đầu bỏ đi, người đàn ông liền văng những câu chửi thề…
Đi xin nhưng chỉ chờ tiền
Tại cầu chữ Y (đoạn giao giữa quận 5 và quận 8) trong vai một người vừa bị giật hết đồ ở bến xe, chúng tôi xin ngồi lại cùng để chờ quà từ thiện. Tôi vừa bước tới, chị T. (40 tuổi), ngước lên hỏi liên tục: “Em lên đây tìm gì? Có chuyện gì không?”.
Nghe tôi nói vừa bị giật đồ, xin ngồi lại để chờ đồ từ thiện ăn đỡ đói, chị T. tỏ vẻ đồng cảm: “Vậy em cứ ngồi đây đi, cứ kiên nhẫn ngồi, ngồi bệt xuống tỏ vẻ khổ sở, một lát sau sẽ có người đến phát đồ ăn, nếu đói quá thì chị có bánh ngọt và nước suối đây, chị có nhiều lắm”. Dứt lời, chị T. liền lấy trong giỏ xách một gói bánh và chai nước đưa tôi.
Nói đoạn, chị T. kể: “Chị sức khỏe yếu, đau ốm liên miên, hai vợ chồng đều không có công việc ổn định, rồi mới sinh thêm đứa nhỏ, nên quyết định lên Sài Gòn thuê nhà trọ ở quận 8 và lên cầu ngồi xin ăn từ đầu năm 2016. Họ cho gì thì lấy, chứ chị cũng chẳng đứng ra đường để xin ai hết. Chủ yếu là xin sữa, bánh cho con, thương tình nên thỉnh thoảng người dân cũng cho một ít gạo hoặc tiền, nói chung cũng vừa đủ sống qua ngày”.
Cách chỗ tôi và chị T. 20m, một nhóm khoảng 10 người cũng đang ngồi la liệt trên cầu, với vẻ mặt khắc khổ. Sau nhiều lần gặng hỏi, chị P. (48 tuổi, ngụ quận 8) thật thà kể: “Chị ngồi ở đây xin ăn được 10 năm, chủ yếu người ta cho đồ ăn, gạo, sữa thôi, chứ ít người cho tiền lắm. Ban ngày, chị đi lượm ve chai, tối đến thì lên đây ngồi, ai cho gì thì lấy, được cái nào thì hay cái đó”. Có người phát quà từ thiện tới, chị P. đứng dậy để nhận một túi đồ ăn, gồm sữa, mì gói và xôi, thấy hộp xôi trống không, cô P. ném thẳng vào giỏ và cằn nhằn: “Cho vậy ai mà ăn nổi”.
Chúng tôi tiếp tục di chuyển đến cầu Ông Lãnh (quận 1) để “hành nghề”. Vừa bước đến chân cầu, đập vào mắt là từng nhóm (trên 30 người) ngồi rải hàng dài hai bên cầu, ai nấy cũng một khuôn mặt sương gió, đáng thương… khiến người qua lại nhìn vào không khỏi xót xa.
Gần nửa đêm, nhiều đứa trẻ nằm lăn lóc rồi ngủ say sưa trên các tấm bìa giấy lót tạm. Hơn 20 phút ngồi trò chuyện với H. (một người đi xin ở đây), không ít lần tôi hỏi thăm quê quán nhưng đều bị từ chối.
H. cho biết bản thân có thâm niên đi xin được 15 năm: “Tôi ngồi ở đây từ lúc 15 tuổi, thỉnh thoảng cũng có người cho tiền, nhưng rất ít, mỗi đêm chỉ được 50.000 - 100.000 đồng thôi, cho nhiều nhất là đồ ăn, có đêm mang về không xuể, phải đổ bỏ. Nếu em thật sự cần tiền thì chiều ngày mai quay lại, tôi dẫn em đi một nơi khác, cũng gần đây, ngồi ở đó xin được nhiều tiền hơn, một buổi chiều có thể kiếm được 1 triệu đồng”.
Nơi H. tính dẫn tôi tới là cửa một chi nhánh ngân hàng gần đó, nơi mà H. khẳng định có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày nếu chịu khó và “cạnh tranh” nổi với những người đi xin khác.
Cách đó khoảng 100m, ba mẹ con chị V. (ngụ quận 4) cũng đến ngồi trên cầu từ khi trời vừa chập tối. Thấy tôi vừa bước tới, con gái chị V. liền chạy tới, chìa tay ra xin: “Cho con xin ít tiền mua cơm, con đói quá”. Tôi lắc đầu và tỏ ý muốn xin ít tiền về quê với lý do vừa bị giật hết đồ ở bến xe. Chị V. nói: “Muốn xin tiền, em phải mặc đồ bẩn bẩn, rách rưới một chút, chứ nhìn em như vậy không ai cho đâu, có cho thì người ta chỉ cho vài túi đồ ăn thôi”.
Nói xong, chị V. chỉ tay về phía dưới chân cầu, hướng quận 4 cho biết: “Muốn xin tiền thì em xuống chỗ ngã ba dưới kia chỗ đèn tín hiệu giao thông thì mới có nhiều người cho, trên này họ chủ yếu cho đồ ăn thôi. Xuống đó cũng nên cẩn thận, ba lô nên đeo ở trước ngực, chú ý quan sát xung quanh không là bị giật đồ lúc nào không hay đó. Ở khu này phức tạp lắm”.
Từ 8 giờ tối hàng ngày, rảo quanh một vòng đường 3 Tháng 2, cầu vượt Cây Gõ, cầu Ông Lãnh, cầu Chữ Y, khu vực Chợ Lớn (đường Tháp Mười), đường Trần Hưng Đạo (quận 1)…, chúng tôi thấy nhiều nhóm người ngồi chờ quà từ thiện. Nhóm người này luôn mang theo các túi ni lông, thùng carton cỡ lớn hoặc xe đạp với phần giỏ xe và yên sau có gắn thùng nhựa để đựng đồ. Ông Ba (60 tuổi), ngồi trên đường 3 Tháng 2 (gần vòng xoay Công trường Dân chủ) nói với chúng tôi: “Đem theo thùng giấy, bọc ni lông để đựng chứ làm sao xách hết, đêm nào cũng có hơn chục nhóm đi phát quà. Mà đâu phải cho 1 phần là đủ, ai cho là họ xin thêm rồi bỏ bọc mang về không đó. Cái nào ăn thì ăn, còn đồ khô thì bán lại tạp hóa kiếm tiền xài”. “Tháng Bảy mới ra đây xin thôi, nên ngồi phía dưới này. Trên kia, là chỗ của mấy tay ngồi chuyên nghiệp, ngày nào cũng ngồi, ông nội tui cũng không dám giành, cãi lộn là chuyện thường, oánh lộn như chơi”, người đàn ông nhặt ve chai gần đó, nói với tôi sau khi dừng xe đẩy lỉnh kỉnh chai nhựa, vỏ lon bia dừng lại chờ quà từ thiện trước trạm xe buýt trên đường 3 Tháng 2. |