Tại buổi giao lưu, có nhiều ý kiến của bạn đọc đã đặt câu hỏi về việc hiện nay xuất hiện nhiều cuốn sách về đề tài lịch sử, nhất là lịch sử đất nước nhưng lại do những nhà nghiên cứu không chuyên thực hiện. Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân đã cho rằng, không phải có bằng cấp mới có thể nghiên cứu, bất cứ ai nếu có đam mê, có kiến thức đều có thể nghiên cứu về lịch sử, miễn là họ nghiên cứu một cách nghiêm túc, cẩn trọng.
Một trong những minh họa cụ thể nhất là nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính, người có nhiều cuốn sách về lịch sử đã xuất bản trong nước thời gian qua như: Thanh - Việt nghị hòa, Việt - Thanh chiến dịch, Lê mạt sự ký - Sự suy tàn của triều Lê cuối thế kỷ XVIII…, những tác phẩm của ông đưa ra nhiều thông tin mới, gợi nên nhiều tranh luận trong giới sử học và điều quan trọng nhất là tạo nên một làn sóng đọc, viết về lịch sử, góp phần vào sự đa dạng trong việc tiếp cận lịch sử của bạn đọc trong nước. Thế nhưng, Nguyễn Duy Chính lại không xuất thân là nhà sử học chuyên nghiệp, ông học quản trị kinh doanh, học thêm quản lý hệ thống thông tin và bằng tiến sĩ ngành quản lý và ứng dụng khoa học máy tính.
Ngay tại buổi giao lưu, có một trường hợp tương tự là câu chuyện của nhà nghiên cứu Đỗ Thái Bình. Ông xuất thân là kỹ sư chuyên ngành đóng tàu, từng đóng góp công sức trong thời kỳ đầu của ngành đóng tàu Việt Nam. Thế nhưng, với niềm đam mê lịch sử, ông đã kết hợp giữa công việc chuyên môn với lịch sử để nghiên cứu một hướng rất đặc biệt có tên gọi là “Dân tộc học hàng hải” - nghiên cứu về lịch sử dân tộc qua quá trình phát triển hàng hải.
Ông kể lại rằng, trước đây nhiều học giả nghi ngờ năng lực hàng hải của Việt Nam thời xưa không đủ sức để vươn ra các đảo ngoài khơi xa. Thế nhưng, với các công trình nghiên cứu lịch sử, từ các di chỉ khảo cổ, các cứ liệu còn sót lại, cho thấy người Việt đã sở hữu các loại thuyền thừa sức thực hiện các chuyến hải trình xa khơi. Đề tài nghiên cứu này vì vậy đã trở thành một trọng tâm trong công cuộc bảo vệ chủ quyền đất nước.
Đó cũng chính là một trong những điểm hấp dẫn nhất mà những cuốn sách lịch sử của tác giả không chuyên mang lại. Các tác phẩm thường có tính tự do cao, sẵn lòng chạm đến những vấn đề lâu nay ít nhà sử học đề cập, như trường hợp cuốn Giở lại một nghi án lịch sử “Giả vương nhập cận” - Có thực người sang Trung Hoa là vua Quang Trung giả hay không? (NXB Văn hóa Văn nghệ TPHCM) của Nguyễn Duy Chính đã thu hút sự chú ý của bạn đọc thời gian qua.
Đó cũng chính là một trong những điểm hấp dẫn nhất mà những cuốn sách lịch sử của tác giả không chuyên mang lại. Các tác phẩm thường có tính tự do cao, sẵn lòng chạm đến những vấn đề lâu nay ít nhà sử học đề cập, như trường hợp cuốn Giở lại một nghi án lịch sử “Giả vương nhập cận” - Có thực người sang Trung Hoa là vua Quang Trung giả hay không? (NXB Văn hóa Văn nghệ TPHCM) của Nguyễn Duy Chính đã thu hút sự chú ý của bạn đọc thời gian qua.
Chính những yếu tố mới lạ cùng các cách thể hiện khá gần gũi, thiên về hướng kể chuyện đã giúp cho các tác phẩm đến gần hơn với bạn đọc trẻ, những bạn đọc mà một thời gian dài đã thể hiện sự ngần ngại đối với những cuốn sách sử khô khan kiểu cũ.
Tuy nhiên, như chính thừa nhận của các nhà sử học không chuyên, điều gì cũng có hai mặt. Nghiên cứu lịch sử là một vấn đề vô cùng phức tạp, đòi hỏi cái nhìn đa chiều, mang đậm tính khoa học, đặc biệt là tính phản biện. Nhiều tác phẩm sử học ra mắt, đề cập đến nhiều vấn đề phức tạp trong lịch sử, các tác giả đưa ra nhiều quan điểm, giả thuyết mới, lạ, gây bất ngờ…
Điều đáng nói là những thông tin này đều rất dễ dàng đến tay bạn đọc thông thường và dễ khiến bạn đọc hiểu nhầm rằng, đó là những điều đã được khẳng định tuyệt đối, trong khi thực tế hầu hết vẫn là các giả thuyết. Khi đó, việc phản biện, đặc biệt là từ các nhà sử học rất quan trọng, nó không chỉ giúp người đọc hiểu thêm về lịch sử mà còn tạo nên một sự sống động trong nghiên cứu học thuật. Từ đó càng thu hút thêm sự quan tâm của bạn đọc, góp phần giúp bạn đọc trong nước hiểu biết hơn về lịch sử đất nước, nhất là ở những bạn đọc trẻ.