Những video triệu view, những nút “vàng”, nút “bạc” vinh danh từ mạng xã hội, khiến nhiều người đua nhau làm Vlog và kiếm tiền từ mạng xã hội. Từ những kênh Vlog chia sẻ về các điểm đến du lịch, giới thiệu những địa điểm ăn ngon, ẩm thực 3 miền đến cả những Vlog hướng dẫn làm đẹp, phân biệt mỹ phẩm, nước hoa thật - giả… đều thu hút hàng triệu lượt xem và chia sẻ.
Khi người người đua nhau làm, các kênh Vlog nở rộ nhưng nội dung các clip ngày càng nhạt, thậm chí như một mô típ lặp đi lặp lại khiến người xem nhàm chán. Đơn cử như "Chủ tịch và cái kết" trên YouTube với hơn 50 tập đã xuất bản, nội dung các clip chủ yếu xoay quanh chuyện khinh thường người khác, đánh giá người khác qua vẻ về ngoài và phải nhận lại hậu quả “đắng”, những bài học thích đáng. Các câu chuyện trong clip với những tình tiết được đẩy đi quá mức so với thực tế cuộc sống, nội dung không có gì đột phá nhưng vẫn thu hút hơn 20.000 lượt xem/video và hàng trăm lượt bình luận, chia sẻ.
Gần đây, câu chuyện Bà Tân Vlog nổi lên như một hiện tượng, lượt view tăng nhanh đến độ xác lập kỷ lục Việt Nam “Người phụ nữ là nông dân được nút vàng YouTube trong thời gian nhanh nhất tại Việt Nam”, khi kênh này đạt 1 triệu lượt đăng ký chỉ sau 20 ngày hoạt động. Các clip của kênh cũng không quá đầu tư về hình ảnh hay nội dung, chủ yếu xoay quanh việc người phụ nữ gần 60 tuổi với thân hình nhỏ nhắn (cao 1,1m và nặng 32kg) nhưng thực hiện các món ăn với số lượng lớn như: nướng 200 cây xúc xích, 200 cây sườn, các món siêu cay, khổng lồ… Cách trò chuyện trong clip khá gần gũi, giọng phát âm còn mang tính vùng miền, công thức nấu ăn không có gì quá đặc biệt, nhưng lượt xem và chia sẻ tăng nhanh từ vài ngàn lên đến triệu view.
Những tài khoản mạng xã hội liên tục chia sẻ các video của Bà Tân Vlog, đủ lời lẽ bình luận từ khen đến chê, từ xem vì tò mò, đến yêu thích, và từ người trẻ đến người có tuổi, đều có đủ. Chỉ tính riêng lượt view ở trang Bà Tân Vlog trên YouTube, con số này trở thành niềm mơ ước cho nhiều trang tin, báo online, lẫn các ca sĩ khi phát hành MV hiện nay.
Trước đây, cũng đã có không ít những kênh ẩm thực trên mạng xã hội, giới thiệu hình ảnh đất nước và con người Việt Nam thông qua những món ăn đặc sắc của từng vùng miền. Mỗi video được đầu tư bài bản từ cảnh quay, nội dung, đến cả kiến thức ẩm thực chuyên sâu, tuy nhiên hiệu ứng mang lại vẫn không cao.
Có thể thấy, khán giả - cụ thể ở đây là người xem, người dùng mạng xã hội, dường như đã thay đổi gu “thẩm mỹ”. Những video dung dị đời thường như Bà Tân Vlog trở thành kỷ lục, thị hiếu khán giả đã hướng đến sự đơn giản, gần gũi với cuộc sống thường ngày hơn những nội dung được sắp đặt. Tuy nhiên, những video triệu view từ những kênh Vlog khác với những nội dung nhảm như Chủ tịch và cái kết hay những video phá phách của kênh T.C với nội dung như: phá son của chị chủ, phá xe mới của chị chủ, lừa bắt xe sếp lên phường… thì lượt xem cũng ở mức hàng chục ngàn đến triệu view.
Liệu khán giả thật sự thay đổi gu thẩm mỹ hay quá dễ dãi, tò mò trước clip với những nội dung gây sốc, hài nhảm? Câu trả lời không thể có ngay mà phải chờ xem trong cuộc đua đường dài, “giá trị” nào mới thực sự vững bền.