Kết quả “lạ”
Chị Nguyễn Thị Th., một người mẹ ở huyện Bình Chánh (TPHCM) đang cầu cứu khắp nơi khi con gái chị là cháu B. bị xâm hại. Hành vi quan hệ tình dục được xác định là có. Trong khi tuổi của con gái chị có đủ giấy tờ chứng minh mới 14 tuổi nhưng cơ quan điều tra lại cho giám định với kết quả cô bé đã hơn 17 tuổi. Với tuổi của nạn nhân như vậy thì không có căn cứ để bị xử lý đối tượng về tội giao cấu với người từ đủ 13-16 tuổi.
Công an huyện Bình Chánh cho biết, chị Th. cung cấp ngày sinh của cháu B. là ngày 2-1-2005 âm lịch. Cơ quan này thực hiện xác minh giấy chứng sinh của chị Th. tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho thấy sản phụ Th., 24 tuổi, vào viện ngày 8-2-2005, ra viện ngày 13-2-2005, đẻ một thai tự nhiên. Ngày tháng năm sinh trong giấy khai sinh của em B. là 2-1-2005, không đúng với thời gian nhập viện của bà Th. là ngày 8-2.
Tuy nhiên, đối chiếu ngày 2-1-2005 âm lịch chính là ngày 10-2-2005 dương lịch, trùng với thời điểm bà Th. vào viện. Theo kết quả giám định, cháu B. đã 17 tuổi, vậy cháu phải được sinh ra trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 10-2002. Đây là điều vô lý, bởi một người mẹ không thể sinh 2 người con cách nhau chỉ vài tháng! (trước cháu B. thì bà Th. còn có một người con sinh ngày 27-3-2002).
Một vụ việc khác xảy ra ở tỉnh Đồng Nai. Cháu H. sinh năm 2005 bị người họ hàng đánh gây thương tích. Kết quả giám định pháp y về thương tích của Trung tâm Pháp y tỉnh Đồng Nai ngày 16-10-2018 cho thấy cháu bị tổn thương chấn động não để lại di chứng rối loạn tâm thần, hội chứng suy nhược điều trị ổn, tỷ lệ 15%. Đến ngày 23-12-2019, tức hơn 1 năm sau, Trung tâm Pháp y tỉnh Đồng Nai ra văn bản đính chính, “rút kinh nghiệm với nội dung nhầm lẫn”, kết luận cháu H. chỉ bị tổn thương tỷ lệ 5%.
Theo Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Chánh án Tòa án quân sự Trung ương, Phó Chánh án TAND tối cao, thực tế có nhiều vụ án mà các kết quả giám định khác nhau. Có vụ qua hàng chục lần giám định nhưng đều cho kết quả không thống nhất, kể cả việc trưng cầu giám định viên ở các nước có nền khoa học giám định tư pháp phát triển hơn. Với giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể do hành vi cố ý gây thương tích thì chỉ chênh lệch 1% cũng dẫn đến những hậu quả pháp lý hoàn toàn khác biệt. Là một nguồn chứng cứ có độ tin cậy cao, và trong nhiều trường hợp là nguồn chứng cứ bắt buộc trong tố tụng, kết luận giám định cần được kiểm tra, đánh giá về các thuộc tính chứng cứ cũng như giá trị chứng minh của thông tin được cung cấp.
Không phụ thuộc hoàn toàn kết quả giám định
Trung tướng Trần Văn Độ cho rằng, khi đánh giá kết luận giám định, cần xem xét rất nhiều yếu tố, như tính hợp pháp của kết luận, xem xét bối cảnh, thời gian thu thập đối tượng giám định, kể cả tính khách quan của người giám định... Trên cơ sở đó, người có thẩm quyền sẽ tổng hợp các thông tin, so sánh với các chứng cứ khác thu thập được để đánh giá. Trong trường hợp nhận thấy nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc phát sinh vấn đề mới liên quan đến tình tiết của vụ việc đã được kết luận giám định thì có thể trưng cầu giám định bổ sung; nếu có sự nghi ngờ về kết quả giám định, cần trưng cầu giám định lại.
Cùng quan điểm này, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, trong tố tụng hình sự có một số trường hợp bắt buộc phải giám định, đó là tuổi của bị can, bị cáo, bị hại, nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó; tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe hoặc khả năng lao động.
Trên thực tế, có nhiều trường hợp kết luận giám định cho ra những kết quả khác nhau. Việc này tùy thuộc vào thời gian giám định, căn cứ đưa ra kết quả, sự đúng sai khi kết luận giám định của giám định viên. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến số phận pháp lý của bị can, bị cáo, bị hại. Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, trong những trường hợp như thế này, rất cần thiết phải giám định lại. Và việc giám định lại phải do người giám định khác thực hiện. Cơ quan trưng cầu giám định tự mình hoặc theo đề nghị của người tham gia tố tụng quyết định việc trưng cầu giám định lại. Người tham gia tố tụng chỉ có quyền yêu cầu giám định lại, còn quyết định có giám định lại hay không phụ thuộc vào người tiến hành tố tụng.
Trường hợp có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại thì việc giám định lại lần thứ 2 do người trưng cầu giám định quyết định. Việc giám định lại lần thứ 2 phải do hội đồng giám định thực hiện theo quy định của Luật Giám định tư pháp. Như vậy, kết luận giám định của hội đồng giám định có thể là kết luận cuối cùng được sử dụng. Trong trường hợp đặc biệt, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc giám định lại sau khi đã có kết luận của hội đồng giám định.
Trách nhiệm khi kết quả giám định sai sót Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, Điều 3 Luật Giám định tư pháp 2012, sửa đổi bổ sung 2018 quy định, trường hợp cố ý đưa ra kết luận giám định sai sự thật gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, nếu giám định viên thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng tài liệu, vật chứng của vụ án, vụ việc hoặc bằng thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc theo quy định tại Điều 375 Bộ luật Hình sự 2015. |