Sáng 3-12, hơn 3.000 học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) đã có cơ hội tìm hiểu về loại hình nghệ thuật chèo qua trích đoạn Nỗi oan hại chồng thuộc tác phẩm chèo Quan âm Thị Kính.
Đây là một trong những hoạt động sân khấu hóa, khởi động Tuần lễ bộ môn Ngữ văn năm học 2018-2019 với chuyên đề "Giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc qua nghệ thuật truyền thống chèo". Điểm đặc biệt của chương trình là toàn bộ khâu chuẩn bị kịch bản, dàn dựng chương trình, lên ý tưởng phục trang, đạo cụ và phân vai các vai diễn đều do các học sinh khối 8 của trường đảm nhận.
Nghệ sĩ Bùi Sĩ Hà giới thiệu với học sinh về nguồn gốc xuất xứ của loại hình nghệ thuật chèo
Chương trình được khởi đầu bằng làn điệu dân ca quen thuộc của loại hình nghệ thuật chèo. Sau đó, học sinh toàn trường được tham gia trả lời các câu hỏi đố vui nhằm tìm hiểu kiến thức về loại hình nghệ thuật này.
Hàng loạt câu hỏi từ người dẫn chương trình như: hãy cho biết 6 loại nhạc cụ thông dụng của nghệ thuật chèo, các vai diễn trong chèo thường cầm trên tay đạo cụ gì, nơi diễn của chèo cổ thường ở đâu, kể tên một số vở chèo em biết, chèo xuất hiện nhiều ở đâu, gắn với đối tượng và những loại hình sinh hoạt nào... đã lần lượt được các học sinh trả lời chính xác.
Sau 2 tháng tập luyện, học sinh khối 8, Trường THCS Lê Quý Đôn trình diễn trích đoạn Nỗi oan hại chồng trong tác phẩm Quan âm Thị Kính
Nghệ sĩ Bùi Sĩ Hà, Trưởng nhóm chèo Sông Đà, cố vấn nghệ thuật chương trình cho biết, chèo vốn là loại hình nghệ thuật xuất xứ từ các tỉnh đồng bằng châu thổ sông Hồng như Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hưng Yên, Hải Dương. Người dân Nam Bộ thường ít có cơ hội tìm hiểu và tiếp xúc với loại hình nghệ thuật này.
Hoạt động sân khấu hóa lần này do tập thể giáo viên và học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn tổ chức được kỳ vọng là cơ hội giúp học sinh có cái nhìn rõ nét hơn về chèo, qua đó tiếp thêm cho các em lòng tự hào, yêu quý một trong những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Hai vai diễn mang lại nhiều cảm xúc cho người xem
Trịnh Hoàng Bảo Châu, học sinh lớp 9/8 cho biết, trước đây em chưa từng được xem một trích đoạn chèo hoàn chỉnh nên tham gia vào hoạt động sân khấu hóa lần này, bản thân em rất hào hứng. Nhìn các bạn biểu diễn trên sân khấu, em thấy rất chuyên nghiệp, thích thú với từng cách nhả chữ, nhấn nhá trong câu hát của các vai diễn. Do đó, em quyết định sẽ về nhà tìm hiểu nhiều hơn về loại hình nghệ thuật chèo.
Phân cảnh Sùng ông, Sùng bà gán cho con dâu nỗi oan giết chồng
Còn Tôn Thất Tuấn Minh, học sinh lớp 7/12 bày tỏ, chương trình môn Ngữ văn khối 7 đến học kỳ 2 mới học về chèo. Vì vậy, buổi biểu diễn hôm nay được cả lớp xem như "buổi chào sân" đầy hứng thú, giúp các em có thêm động lực tìm hiểu về loại hình nghệ thuật vốn không phổ biến nhiều với học sinh miền Nam.
Thị Kính giãi bày tâm sự với cha
Riêng Phạm Ngọc Minh Thư, học sinh lớp 9/15 chia sẻ, bản thân em quê ở Nam Định nhưng từ nhỏ đến lớn chưa từng tiếp xúc với chèo. Sau buổi xem các bạn biểu diễn hôm nay, em thấy yêu và tự hào hơn với những nét đẹp truyền thống của quê hương.
Ngoài ra, "em cũng khâm phục những nỗ lực và công sức các bạn đã bỏ ra trong hơn 2 tháng trời tập luyện. Từ trang phục, cử chỉ múa tay, cách đi đứng đều như những nghệ sĩ thực thụ", Minh Thư cho biết.
Học sinh hào hứng xem biểu diễn
Buổi diễn khép lại bằng những câu hỏi giao lưu giữa khán giả và các "nghệ sĩ không chuyên", giúp học sinh toàn trường có cái nhìn rõ nét hơn về chèo, qua đó thêm tự hào và yêu các truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc.