Thiệt hại chồng thiệt hại
Trong Hội nghị giao ban công tác xuất bản diễn ra tại Cần Thơ mới đây, ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (viết tắt là Cục Xuất bản), cho biết đến hết tháng 6-2018, có 48 xuất bản phẩm bị xử lý vì nhiều lỗi.
Khi một cuốn sách bị thu hồi, thiệt hại thấy rõ nhất là về kinh tế đối với đơn vị phát hành cuốn sách đó. Đơn cử, một cuốn sách in với số lượng 5.000 cuốn và nhận án phạt thu hồi ngay sau đó, hệ quả là những kế hoạch quảng bá (có từ trước) phải tạm ngưng. Ngoài ra, tiền bản quyền, chi phí sản xuất cho số lượng 5.000 cuốn không hề nhỏ, cũng “bốc hơi” theo.
Quan trọng hơn, tình trạng sách in xong bị thu hồi dễ khiến các công ty sách và NXB mang tâm lý ngại ngùng trong việc khai thác những đề tài mang tính gai góc. Giám đốc một công ty sách (đề nghị giấu tên) thừa nhận: “Chúng ta đều biết, đã có khâu đọc bản thảo từ trước của NXB, cũng như được Cục Xuất bản cấp số giấy phép. Tuy nhiên, việc tiền - hậu bất nhất khiến các đơn vị tư nhân không tránh được những thiệt hại kinh tế vô cùng lớn. Ngoài ra, những vấn đề về tiềm năng khai thác bản thảo của các đơn vị tư nhân sẽ bị cản trở, họ cũng trở nên e dè hơn trước những tác phẩm gai góc, thực sự mang đến cho người đọc nhiều góc nhìn, giá trị xã hội, cũng như văn hóa của con người, đất nước Việt Nam”.
Chia sẻ trên phần nào có sự tương đồng với băn khoăn của Giám đốc NXB Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều tại một hội nghị về ngành xuất bản 6 tháng đầu năm 2018. Theo ông Nguyễn Quang Thiều, việc xuất bản các tác phẩm văn chương phản ánh hiện thực xã hội hiện nay đang gặp khó khăn. Trong khi các nhà phê bình, nhà văn, biên tập viên đánh giá bản thảo “bình thường”, nhưng qua con mắt của cơ quan quản lý lại… “không bình thường”. “Chúng ta nên ứng xử như thế nào với những bản thảo đó? Có cấp phép hay không?”, đó là những câu hỏi mà ông Nguyễn Quang Thiều đặt ra tại hội nghị và có lẽ cũng là nỗi lòng chung của nhiều công ty sách và NXB hiện nay: Không in thì tiếc, bạn đọc mất đi cơ hội được thưởng thức; mà in thì lại nơm nớp lo bị “sờ gáy”!
Thận trọng trong lựa chọn đề tài
Quy trình xuất bản hiện nay gồm hai bước: tiền kiểm và hậu kiểm. Với tiền kiểm, NXB sẽ đăng ký đề tài lên Cục Xuất bản, bao gồm: tựa sách, tóm tắt nội dung. Trên cơ sở đó, Cục Xuất bản sẽ cấp mã ISBN cho cuốn sách. Khi nào có giấy phép xuất bản thì bản thảo đó mới được phép thẳng tiến vào nhà in. Sách in ra, NXB nộp sách lưu chiểu về Cục Xuất bản - chính là giai đoạn hậu kiểm. Ở giai đoạn này, trong thời gian từ 10 - 15 ngày, Cục Xuất bản sẽ tiến hành thẩm định nội dung. Nếu cuốn sách thuộc hàng “sạch”, sẽ được cấp giấy phép phát hành; sách “không sạch”, đương nhiên cơ quan quản lý sẽ ra quyết định thu hồi.
Thoạt trông, quy trình trên có vẻ rất chặt chẽ và “chuẩn không cần chỉnh”. Vậy nhưng trên thực tế, số lượng sách vi phạm qua các năm không hề ít. Lỗ hổng đã xuất hiện ở đâu trong quy trình (có vẻ) rất chặt chẽ kia? Bà Đinh Thị Thanh Thủy, Giám đốc NXB Tổng hợp TPHCM, cho rằng hiện nay với nguồn nhân lực tham gia đọc lưu chiểu còn mỏng, cộng thêm lượng sách từ 59 NXB trên cả nước (giả sử nộp lưu chiểu cùng một thời điểm, trung bình 1 tựa/NXB), sẽ rất khó để Cục Xuất bản đảm bảo đọc hậu kiểm nội dung trong vòng 10 ngày.
Chính vì vậy, bà Thanh Thủy đặt vấn đề, bỏ bớt khâu hậu kiểm trong 10 ngày, với lý giải: “Đề xuất này ngược với quy định của Luật Xuất bản và các văn bản dưới luật, tuy nhiên hiện nay, tôi thấy có lẽ cần phải điều chỉnh khâu hậu kiểm để các quy định có thể đi vào thực tế đời sống xuất bản. Vì có rất nhiều sách lưu chiểu của các NXB đổ về, 10 ngày đó không giải quyết được việc gì, nhưng kéo dài hơn nữa cũng không được”.
Ý kiến khác từ một đơn vị làm sách, nên gửi bản thảo cuối cùng đã được NXB thẩm định lên Cục Xuất bản. Nếu bản thảo có vấn đề, Cục Xuất bản sẽ cho dừng ngay từ đầu, tránh trường hợp sách in xong lại bị thu hồi. Ngoài ra, việc Cục Xuất bản thẩm định ngay từ khâu bản thảo cũng sẽ tiết giảm được thời gian và công sức hậu kiểm sau này. Tuy nhiên, theo đại diện NXB Tổng hợp, giải pháp này vẫn rất khó thực hiện. Bởi trước hết, trách nhiệm tổ chức bản thảo, biên tập nội dung là của NXB và các đơn vị làm sách; không thể chuyển trách nhiệm đó về cơ quan quản lý nhà nước. Thực tế cho thấy, việc phát hiện những sai phạm đa phần đều từ thông tin của bạn đọc và báo chí khi tiếp cận xuất bản phẩm.
Hiện nay, rất khó để có một giải pháp nhằm giảm thiệt hại cho các bên liên quan. Không có cách nào khác là từng đơn vị phải hết sức thận trọng trong việc lựa chọn đề tài và xử lý bản thảo. Theo bà Thanh Thủy, các công ty sách tư nhân thường có sự mạnh dạn khi khai thác các đề tài gai góc. Câu chuyện còn lại là công ty tư nhân lựa chọn NXB nào để cùng với công ty sách đối diện với bản thảo và trao đổi như những đơn vị đồng hành sáng tạo, giúp cuốn sách ra đời, đến với bạn đọc an toàn, tránh sai sót. “Đó chính là sự tử tế, là trách nhiệm của những người làm sách chân chính, không phân biệt NXB hay công ty sách”, bà Thanh Thủy nói thêm.
Giám đốc một công ty sách đề xuất 2 phương án: Nâng cao vai trò của biên tập viên NXB trong việc thẩm định bản thảo và nếu bản thảo có vấn đề thì dừng, không cấp giấy phép xuất bản ngay ở khâu này; đối với Cục Xuất bản, cần cởi mở hơn với các vấn đề mang tính thời sự, mang tính hiện thực xã hội, để văn hóa đọc thực sự đa dạng, phát triển, thu hút nhiều độc giả quan tâm. Những giải pháp này, ai cũng thấy, nhưng không phải là chuyện có thể thực hiện một sớm một chiều…