Khí hậu, chính sách và tiền

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) vừa xác nhận năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.

Cùng với sự gia tăng nhiệt độ, năm 2024 cũng chứng kiến hàng loạt thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng. Các trận lũ lớn ở Tây Ban Nha, Sudan và Nepal gây tàn phá diện rộng, trong khi các đợt nắng nóng tại Mexico và Saudi Arabia cướp đi hàng ngàn sinh mạng. Theo báo Le Monde (Pháp), sự tích tụ khí nhà kính từ việc đốt than, dầu hoặc khí đốt đã khiến nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,6oC so với nhiệt độ trung bình của Trái đất nửa sau thế kỷ 19.

Nếu như năm 2024 chứng kiến ​​kỷ lục về nhiệt độ tăng cao thì năm 2025 mở đầu bằng hình ảnh Los Angeles chìm trong biển lửa. Vào giữa mùa đông, trong bối cảnh đô thị hóa tràn lan và tình trạng thiếu nước, thảm họa đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, hàng ngàn tòa nhà bị phá hủy và 130.000 người phải sơ tán. Từ Nam Âu đến Bắc Âu, từ Australia đến Amazon, từ Siberia đến Canada, tần suất và cường độ nắng nóng tăng cao cũng tạo ra điều kiện thuận lợi cho các vụ cháy lớn. Các vụ cháy lớn liên tiếp xảy ra giống như hồi chuông báo động lặp đi lặp lại về tình trạng biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh đó, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, người sẽ nhậm chức ngày 20-1 tới đây, lại có ý định khôi phục sản xuất khí đốt và dầu mỏ, cam kết sẽ rút Mỹ ra khỏi cuộc chơi của Thỏa thuận Paris, cũng như hủy bỏ các biện pháp bảo vệ khí hậu do người tiền nhiệm của ông thực hiện.

Đáng lo ngại là tất cả các ngân hàng Mỹ vừa tuyên bố rút khỏi liên minh tài chính toàn cầu nhằm đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Giới tài chính ngày càng thể hiện rõ tham vọng giành quyền tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch, với nhu cầu được dự đoán sẽ tăng mạnh.

Cùng lúc này, châu Âu cũng chứng kiến sự thay đổi quan điểm về thỏa thuận xanh, vốn được xây dựng trong những năm gần đây. Báo Le Monde cho rằng đây là hậu quả của sự thiếu can đảm, phụ thuộc vào sự thay đổi về tư tưởng và tài chính ở Mỹ. Nếu không tỉnh táo, tất cả những thay đổi mang tính lợi nhuận này có nguy cơ kéo cả hành tinh vào vòng xoáy thảm họa, khiến nhiều người phải trả giá đắt.

Tin cùng chuyên mục