Với 2 dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và Khu đô thị lấn biển Cần Giờ có tổng vốn 346.000 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào năm 2025, Cần Giờ là một trong những đòn bẩy kinh tế - xã hội để tạo động lực tăng trưởng mới cho TPHCM. Nhưng đồng thời cũng là phép thử cho chính quyền thành phố khi siêu dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ nằm trong khu vực kế cận của vùng chuyển tiếp của Khu dự trữ sinh quyển thế giới - rừng ngập mặn Cần Giờ.
Vì thế, cần có một sự tiếp cận tổng thể, toàn diện, khoa học và thực tiễn để con đường phát triển, mục tiêu tăng trưởng không làm ảnh hưởng và tác động bất lợi đến sự bảo toàn của môi trường và hệ sinh thái Cần Giờ.
Nói như Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi tại hội thảo “Cần Giờ xanh - hướng tới đô thị sinh thái ven biển”, với Cần Giờ, “chúng ta chọn đúng định hướng, bước đi, hành động để vừa phát huy giá trị, vừa giữ gìn các giá trị và tạo ra nền tảng, môi trường, điều kiện cho sự phát triển nhanh, bền vững”.
Trước hết, dưới góc nhìn địa - kinh tế mới, với những diễn biến thực địa của hệ sông biển, của liên kết vùng - khu vực dưới sức tác động của biến đổi khí hậu, Cần Giờ cần được tiếp cận ở tổng thể vùng, với việc huyện đảo này đang bảo tồn gần 76.000ha rừng ngập mặn ở phía Đông Cần Giờ cùng địa phương tiếp giáp là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang hình thành một trung tâm cảng - công nghiệp nặng - năng lượng quan trọng hàng đầu Việt Nam. Với chiến lược phát triển kinh tế biển, Cần Giờ nên hội đủ cách nhìn rộng để thấy tiềm năng, nhìn dài hạn để phát triển bền vững và nhìn đa ngành để tối ưu nguồn lực.
Kế đến, phải xác lập các trụ cột xanh - sinh thái cho Cần Giờ trên từng lĩnh vực phát triển liên quan, trong đó ít nhất đảm bảo những lĩnh vực quan trọng như năng lượng tái tạo, giao thông sạch, du lịch xanh. Tất nhiên, để vận hành một cách thông suốt, điều hành thông minh thì cần rà soát một số chính sách ưu đãi hiện hành để mở rộng sức thu hút đầu tư. Trong đó, tập trung để tạo nguồn thu hút phát triển cơ sở hạ tầng xanh, hiện đại; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; thu hút hoạt động đầu tư và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ…
Sau cùng, như đã nói, để phát triển kinh tế biển Cần Giờ nhưng không tác động bất lợi lên môi trường thì cần thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn tại Cần Giờ bằng nguồn tài nguyên, đặc điểm có sẵn từ rừng, biển đến văn hóa bản địa. Trên cơ sở mở rộng tham chiếu đến kinh nghiệm của các nước về chính sách kinh tế tuần hoàn cũng như hiện trạng khung pháp lý tại Việt Nam để thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn ở cấp chiến lược (với Luật Bảo vệ môi trường năm 2020), từ đó đề xuất mô hình kinh tế tuần hoàn tại Cần Giờ ở các lĩnh vực như nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản; du lịch xanh và bền vững; năng lượng tái tạo, nông nghiệp, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe…
Đặt tham vọng phát triển Khu đô thị lấn biển Cần Giờ trong dự báo về tình hình biến đổi khí hậu và cảnh báo không được để tác động đến rừng ngập mặn Cần Giờ, cần hiểu một cách “minh triết” về một đô thị sinh thái, là thành phố trong rừng, gồm cả yếu tố thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ đó có cách thức quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ - Khu dự trữ sinh quyển thế giới - rừng ngập mặn Cần Giờ. Rốt cuộc, trong bối cảnh tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn, chúng ta một mặt xây dựng hình mẫu về sự hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái tự nhiên; mặt khác nâng cao sinh kế và chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư để vừa tôn trọng, nương tựa, bảo vệ thiên nhiên vừa sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên được ưu đãi, đảm bảo chất lượng sống, công bằng xã hội cho con người.
Từ Cần Giờ, chúng ta sẽ được chiêm nghiệm, trải nghiệm và “trưởng thành” với những kinh nghiệm vì sự phát triển chung, lợi ích lâu dài.