Khi dự án BT “mắc cạn” - Bài 2: “Mắc cạn” rồi… mắc nợ

Nhiều dự án BT dang dở, khiến chủ đầu tư “ăn không ngon, ngủ không yên”, vì lãi mẹ đẻ lãi con, tài chính rơi vào vòng xoáy khốn khó. Riêng người dân bị chậm thụ hưởng các tiện ích từ dự án…

Đường dang dở, gây chết người

Theo ghi nhận mới đây của PV Báo SGGP, có rất đông phương tiện di chuyển trên tuyến đường tránh TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Tại tuyến đường tránh này do xây dựng dang dở nên từng xảy ra tai nạn chết người. Cụ thể, vào tháng 3-2023 đã xảy ra vụ tai nạn, xe mất lái rơi xuống cầu Nasuri làm 2 người chết. Tất cả nguồn cơn này đều mang tên “dự án BT”.

H1f.jpg
Đường Vành đai 2.5 Hà Nội sau 10 năm thi công vẫn ngổn ngang. Ảnh: MINH KHANG

Theo tài liệu chúng tôi có được, dự án tuyến đường tránh TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng có tổng mức đầu tư 749,9 tỷ đồng, khởi công từ tháng 2-2017, với tổng chiều dài 15km đường và 3 cầu bê tông cốt thép. Ông Nguyễn Văn Gia, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng, cho biết, chủ đầu tư là Công ty cổ phần BT20 - Cửu Long đã chuyển kinh phí khoảng 191,7 tỷ đồng (còn thiếu 14,2 tỷ đồng) chi trả cho 545 hộ dân và 6 tổ chức, ngoài ra còn 28 hộ dân chưa được nhận tiền bồi thường. Về tiến độ, dự án thi công mới đạt 70%, nhiều vị trí cống ngang, taluy âm sâu nhưng chưa thi công rào hộ lan và cọc tiêu cảnh báo, các cầu chưa được thi công lan can và hộ lan đầu cầu…

Tháng 8-2023, dự án xảy ra tình trạng mặt đường gãy ngang, nền đường bị lún sâu. Đáng báo động hơn, do xây dựng dang dở chưa có đơn vị quản lý, khai thác, người dân đã đào phá mái taluy, san gạt rãnh thoát nước dọc 2 bên để san nền và ra vào sản xuất, gây hư hỏng các hạng mục xây dựng của công trình.

Công trình xây dựng tuyến tránh phía Nam TP Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) là hạng mục được bổ sung sử dụng từ nguồn vốn còn dư của dự án khôi phục, cải tạo quốc lộ 20 qua tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai theo hình thức BT được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 465/QĐ-BGTVT ngày 5-2-2016. Từ tháng 10-2020 đến nay, công trình đã ngừng thi công theo chỉ đạo của Bộ GTVT để chờ các cấp có thẩm quyền xem xét xử lý nguồn vốn của dự án.

Để sớm phát huy hiệu quả đầu tư xây dựng tuyến đường, mới đây, Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị với Chính phủ dừng đầu tư hạng mục tuyến tránh TP Bảo Lộc theo hình thức hợp đồng BT và lập dự án mới đối với các hạng mục còn lại để thực hiện đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, sớm đưa vào sử dụng.

Chưa dừng lại ở đây, chủ đầu tư dự án cũng rơi vào tình cảnh hết sức dang dở về tài chính. Có thể hình dung, dự án tuyến đường tránh TP Bảo Lộc là “dự án con” của dự án BT khôi phục, cải tạo quốc lộ 20 đoạn Km0+000 - Km123+105,17 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng được khởi công xây dựng vào tháng 1-2014, nhà đầu tư là Công ty cổ phần BT20 - Cửu Long. Dự án sử dụng vốn vay nước ngoài và được Chính phủ bảo lãnh. Các chi phí trong tổng mức đầu tư dự án được xác định vào tháng 12-2016 là 5.160 tỷ đồng, nhưng tổng giá trị thanh toán của dự án được Bộ GTVT xác định vào tháng 3-2018 là 9.456 tỷ đồng. Các chi phí không có trong tổng mức đầu tư dự án gồm lợi nhuận nhà đầu tư, lãi vay, chênh lệch tỷ giá, chi phí khác... trong giai đoạn chờ thanh toán là 4.296 tỷ đồng.

Theo hợp đồng đã ký kết, sau khi công trình hoàn thành, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thanh toán bằng tiền cho nhà đầu tư các khoản chi phí đã được quy định tại hợp đồng. Đến kỳ thanh toán tháng 9-2024, giá trị thanh toán vốn ngân sách nhà nước vượt qua tổng mức đầu tư dự án. Vướng mắc cũng phát sinh từ đây khi quy định về thanh quyết toán dự án BT chưa đồng bộ, kho bạc từ chối thanh toán các chi phí ngoài tổng mức đầu tư dự án. Ông Đỗ Ngọc Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần BT20 - Cửu Long, cho biết, hơn 10 năm triển khai, dự án đã gặp rất nhiều vướng mắc, công ty đã phối hợp với bộ ngành địa phương để giải quyết nhưng đến nay chưa được xử lý triệt để.

Trong tháng 8-2024, lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ Tài chính đã họp để xử lý việc thanh toán nợ nước ngoài tới kỳ phải trả do vướng mắc ở Nghị định 99 dẫn đến thanh toán chậm trễ. Việc chậm trễ trả nợ nước ngoài tại dự án này và một dự án khác cũng vay vốn nước ngoài để thực hiện, khiến tiền phạt chậm trả trong 2 năm 2020-2021 là 800.000 USD, Bộ Tài chính phải ứng tiền ra để trả…

10 năm làm chưa xong con đường hơn 2km

Tại Hà Nội, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 2,5 (đoạn từ đầm Hồng đến quốc lộ 1A) chạy qua quận Hoàng Mai được triển khai từ tháng 1-2014 theo hợp đồng BT giữa UBND TP Hà Nội và liên danh nhà đầu tư gồm Công ty CP Kinh doanh Phát triển nhà và đô thị Hà Nội cùng Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà. Nhà đầu tư cam kết hoàn thành tuyến đường dài 2.061m với tổng vốn đầu tư 1.317 tỷ đồng, nhà nước sẽ giao thực hiện dự án đối ứng là Khu đô thị mở rộng phía Bắc và Tây Bắc Đại Kim - Định Công (quận Hoàng Mai).

H5a.jpg
Đoạn đường tránh TP Bảo Lộc bị sụt lún, đứt gãy chưa được khắc phục do dự án thiếu vốn triển khai. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Dự án được khởi công vào ngày 19-3-2014 trong niềm phấn khởi của người dân, nhưng đến tháng 10-2024, tuyến đường dài hơn 2km này vẫn chưa hoàn thành. Hiện trên tuyến đường vẫn ngổn ngang đất đá, máy móc thiết bị bỏ hoang phế, nhiều đoạn bị chiếm dụng làm bãi đậu xe hoặc bãi tập kết rác, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân trong khu vực. Nguyên nhân chính khiến dự án chậm tiến độ là do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, trong đó có tranh chấp đất đai và các thủ tục xác minh nguồn gốc đất phức tạp do việc chuyển nhượng qua nhiều chủ. Để phù hợp với quy hoạch, dự án cũng phải điều chỉnh thiết kế, làm tăng thời gian hoàn thành.

Ông Hoàng Xuân Biên, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà, cho biết, nhà đầu tư đã thi công 95% khối lượng công việc từ năm 2014 đến cuối năm 2019, với tổng chi phí giải ngân hơn 573 tỷ đồng. Tuy nhiên, do không giải phóng mặt bằng kịp tiến độ, từ năm 2020 đến nay, dự án phải tạm dừng. UBND TP Hà Nội đã nhiều lần chỉ đạo các sở, ngành phối hợp cùng UBND quận Hoàng Mai và nhà đầu tư tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, nhưng đến tháng 2-2024 vẫn chưa bàn giao toàn bộ diện tích còn lại cho nhà đầu tư. Hiện UBND TP Hà Nội cũng chưa gia hạn hợp đồng BT, khiến nhà đầu tư không thể tiếp tục thi công dự án.

Ông Hoàng Xuân Biên khẳng định, nếu hợp đồng BT được gia hạn và bàn giao phần mặt bằng còn lại, nhà đầu tư sẽ nhanh chóng hoàn thiện dự án vào năm 2025, giúp đấu nối hạ tầng giao thông và giảm ùn tắc khu vực. Dù đã hoàn thành 95% khối lượng nhưng nhà đầu tư vẫn chưa được giao dự án đối ứng là Khu đô thị mở rộng Đại Kim - Định Công, gây khó khăn trong việc huy động vốn cho dự án.

Tại cuộc họp báo kinh tế - xã hội quý 3-2024, ông Đào Duy Phong, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội, giải thích, hợp đồng BT của dự án đường vành đai 2,5 đã hết hạn từ 30-6-2018. Vướng mắc chủ yếu là do chưa hoàn tất giải phóng mặt bằng. UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Thanh tra thành phố kiểm tra dự án về năng lực tài chính và khó khăn của chủ đầu tư, từ đó đề xuất phương án tiếp tục triển khai dự án.

Qua ghi nhận của phóng viên, TP Hà Nội còn nhiều dự án BT khác đang gặp khó khăn. Một số dự án như đường Vành đai 3,5 từ Phúc La - Văn Phú đến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng; cầu Giang Biên và đường nối 2 đầu cầu tại huyện Gia Lâm cũng phải dừng để rà soát. Nhiều dự án BT, dù hoàn thành xây dựng, vẫn chưa quyết toán được sau nhiều năm như Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở, Trạm Xử lý nước thải khu vực Hồ Tây và tuyến đường Lê Đức Thọ qua sông Nhuệ.

Các vướng mắc chính trong dự án BT nằm ở quy định pháp lý về thanh toán, đặc biệt là việc giao đất đối ứng không phù hợp với Luật Đất đai 2013, vốn yêu cầu đất công phải đấu giá. Ngoài ra, khi tổ chức đấu giá quỹ đất đối ứng, ngân sách thu được lại không thể dùng để thanh toán cho các dự án BT do thiếu khung pháp lý. Một số quy định còn thiếu hoặc không thống nhất khiến việc triển khai gặp trở ngại. Nhiều dự án BT dù đã ký hợp đồng từ trước năm 2013, nhưng nay cần điều chỉnh và phê duyệt lại, đối mặt với việc xác định giá trị vốn đầu tư, đơn giá, định mức mới gây khó khăn trong quản lý tài chính.

Tin cùng chuyên mục