Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, hàng loạt dự án BT được ký kết từ giai đoạn trước khi Luật PPP có hiệu lực gặp vướng mắc, dở dang, chưa tìm được hướng ra. Điều này vô hình trung gây lãng phí lớn!
Thanh toán chậm trễ, thay đổi phương thức thanh toán… khiến nhà đầu tư dự án BT bị thiệt hại, rơi vào bế tắc. Từ đó, có nhà đầu tư chẳng đặng đừng phải kiện chính quyền ra tòa.
Mắc kẹt đường nối Phú Yên - Gia Lai
Dự án nâng cấp tuyến đường bộ ĐT647 kết nối 2 tỉnh Phú Yên và Gia Lai (đoạn qua địa bàn tỉnh Phú Yên có tổng vốn 4.662 tỷ đồng) được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư theo hình thức hợp đồng BT. Mục tiêu dự án là góp phần tăng cường kết nối, thúc đẩy giao thương phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa… giữa Phú Yên với Gia Lai nói riêng và cả khu vực Tây Nguyên với vùng duyên hải Nam Trung bộ nói chung.
Đặc biệt, dự án nhằm tạo điều kiện giúp các dân tộc thiểu số 2 bên tuyến đường giữa Phú Yên và Gia Lai đi lại thuận lợi, trao đổi văn hóa, cứu nạn cứu hộ khi xảy ra mưa bão… Tháng 7-2015, dự án bắt đầu khởi công, đến tháng 6-2020 hoàn thành giai đoạn 1, nhưng sau đó thì bị “gãy gánh”.
Những ngày cuối tháng 10-2024, PV Báo SGGP đã đi dọc theo tuyến đường ĐT647. Theo ghi nhận, giai đoạn 1 dự án thi công tuyến đường dài khoảng 31km, điểm đầu tại địa phận xã Xuân Phước, điểm cuối tại xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên). Sau khi nâng cấp, mặt đường 2 làn xe, bề rộng 7,5m, nhiều đoạn thảm nhựa, nhưng có đoạn đổ bê tông. Khi đến địa phận xã Phú Mỡ thì tuyến đường lớn bất ngờ “tắc mạch”, chỉ còn lại con đường đất lầy lội chạy thẳng vào những cánh rừng.
Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ, chia sẻ, tuyến đường ĐT647 hình thành sẽ tạo thông thương từ Tây Nguyên xuống biển duyên hải Nam Trung bộ và sẽ góp phần trong công tác cứu nạn, cứu hộ người dân miền núi do mưa lũ, sạt lở. Đặc biệt, bà con đồng bào Ba Na ở 2 huyện giáp ranh Kông Chro (Gia Lai) và Đồng Xuân (Phú Yên) đều có nhu cầu đi lại, giao thiệp rất lớn…
Lâu nay, để qua lại, bà con phải đi rất xa, hoặc đi vòng hướng huyện Krông Pa (Gia Lai), hoặc hướng qua tỉnh Bình Định lên đèo An Khê, hoặc lội bộ vượt rừng cả ngày đường để qua Gia Lai rất khó khăn.
Lật lại hồ sơ, dự án nâng cấp tuyến đường bộ ĐT647 kết nối 2 tỉnh Phú Yên và Gia Lai được Thủ tướng cho phép triển khai vào giữa tháng 12-2009, theo hình thức BT. Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính tổng hợp dự án vào danh mục đề nghị được sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015 để hỗ trợ tỉnh.
Hai năm sau, ngày 30-12-2011, UBND tỉnh Phú Yên có quyết định phê duyệt dự án đầu tư, đồng thời ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Đầu tư BT Phú Yên - Gia Lai triển khai dự án với chiều dài 2 giai đoạn là 61km, tổng vốn đầu tư trên 4.660 tỷ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020.
Tuy nhiên, sau khi tiến hành rà soát lại, thì thời điểm ký kết hợp đồng BT cùng lúc Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư đã có hiệu lực, nên không còn quy định thanh toán bằng tiền đối với hợp đồng BT nữa.
Ngoài ra, dự án chưa được Thủ tướng bố trí vốn, chưa cho phép tiếp tục thực hiện, nên UBND tỉnh Phú Yên báo cáo Thủ tướng cho phép bố trí thực hiện dự án theo Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 9-11-2018. Theo đó, giai đoạn 1 dự án vẫn thực hiện theo hợp đồng BT với chiều dài 31,5km.
Tháng 6-2020, dự án hoàn thành giai đoạn 1, bàn giao sử dụng. Đến tháng 3-2021, UBND tỉnh Phú Yên đã thanh toán cho chủ đầu tư trên 1.300 tỷ đồng (đạt 85% giá trị hợp đồng). Trong khi dự án đang “mắc kẹt” sau núi rừng Phú Mỡ thì giữa chủ đầu tư và UBND tỉnh Phú Yên phát sinh kiện tụng từ hợp đồng BT. Phía Công ty TNHH Đầu tư BT Phú Yên - Gia Lai khởi kiện UBND tỉnh Phú Yên ra tòa án để đòi lại 15% giá trị hợp đồng do kéo dài, với số tiền thực tế trên 230 tỷ đồng.
Hiện vụ kiện đã được Tòa án nhân dân (TAND) TP Tuy Hòa thụ lý… Riêng giai đoạn 2 dự án, tại cuộc làm việc với tỉnh Phú Yên vào tháng 7-2020, lãnh đạo Bộ KH-ĐT cho biết, sẽ không làm tiếp theo hợp đồng BT do Luật PPP đã quy định.
Kiện chính quyền do vướng thanh toán
Tính đến thời điểm Luật PPP có hiệu lực, TP Đà Nẵng có 18 dự án thực hiện theo hợp đồng BT do Sở GTVT và Sở Xây dựng có thẩm quyền ký hợp đồng dự án BT.
Trong đó, 5 dự án do Công ty CP Đầu tư Đà Nẵng - Miền Trung và Công ty CP Xây dựng Giao thông làm nhà đầu tư đang gặp vướng mắc liên quan đến thanh toán cho các dự án giao thông thực hiện theo hình thức BT, gồm: dự án Hạ tầng kỹ thuật (HTKT) Khu tái định cư (TĐC) Phước Lý 2; dự án HTKT Khu TĐC Phước Lý 6; dự án HTKT Khu TĐC Hòa Liên 5; dự án đường Lê Trọng Tấn (đoạn đã thi công đến Khu TĐC Phước Lý 6); dự án đường Trần Hưng Đạo nối dài, đoạn từ khu số 4 Khu đô thị mới Nam cầu Tiên Sơn đến giáp phân khu X4 - Khu TĐC Hòa Hải 2.
Trước đó, cuối năm 2016, UBND TP Đà Nẵng có công văn thống nhất điều chỉnh phương thức thanh toán “Nhà đầu tư tự bỏ vốn để đầu tư dự án và được UBND TP Đà Nẵng thanh toán bằng quỹ đất theo hình thức giao đất không thông qua đấu giá”.
Qua rà soát theo yêu cầu Nghị định 160/NQ-CP ngày 28-12-2018, xét thấy việc điều chỉnh thanh toán chuyển từ tiền sang đất mà không thông qua đấu giá là chưa đủ cơ sở pháp lý, vì vậy UBND TP Đà Nẵng thống nhất điều chỉnh phương thức thanh toán cho các dự án bằng tiền như hợp đồng ban đầu đã ký giữa Sở Xây dựng, Sở GTVT và nhà đầu tư.
Mặc dù đồng ý phương án thanh toán bằng tiền nhưng các nhà đầu tư đề nghị bổ sung lợi nhuận, lãi vay vào dự án để giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc xác định các chỉ tiêu tài chính đã hết hiệu lực mà không có văn bản thay thế nên việc áp dụng không thực hiện được.
Do không thể thỏa thuận, tháng 5-2022, Công ty CP Đầu tư Đà Nẵng - Miền Trung và Công ty CP Xây dựng Giao thông đã gửi đơn đến TAND quận Hải Châu khởi kiện UBND TP Đà Nẵng về tranh chấp hợp đồng BT. Suốt hơn 2 năm khởi kiện, đến nay vụ kiện vẫn… giậm chân tại chỗ, trong khi doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn vì vốn lớn bị chôn vùi vào các dự án nói trên!
Về vấn đề này, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đã có Văn bản số 341/BC-UBND ký ngày 15-11-2022 nêu rõ, Luật PPP năm 2020 đã không quy định hợp đồng BT thuộc đầu tư theo hình thức công - tư nên dẫn đến Đà Nẵng gặp khó khăn trong việc chuyển phương án hoàn vốn các dự án BT, từ thanh toán bằng quỹ đất sang thanh toán bằng tiền. Điều này khiến cho các kiến nghị của nhà đầu tư không có cơ sở pháp lý để giải quyết.
Trao đổi với PV Báo SGGP, thẩm phán Phạm Văn Diện, Chánh Văn phòng TAND quận Hải Châu (TP Đà Nẵng), xác nhận, TAND quận đang thụ lý 2 vụ kiện là Công ty CP Đầu tư Đà Nẵng - Miền Trung và Công ty CP Xây dựng Giao thông kiện UBND TP Đà Nẵng về tranh chấp hợp đồng BT đối với 5 dự án trên địa bàn thành phố. TAND quận Hải Châu đang trưng cầu kiểm toán độc lập đối với các dự án này để làm cơ sở xem xét theo quy định.
Vướng mắc lớn nhất hiện nay liên quan đến kiểm toán. Rất nhiều đơn vị kiểm toán độc lập được TAND quận mời thực hiện việc kiểm toán các dự án nói trên để làm cơ sở pháp lý nhưng đều từ chối. TAND quận Hải Châu đang mời một đơn vị kiểm toán độc lập khác và đơn vị này mới trong giai đoạn tiếp nhận hồ sơ để nghiên cứu chứ chưa trả lời có thực hiện hay không.
Khi có đủ cơ sở pháp lý, chứng cứ, TAND quận sẽ đưa ra xét xử về phương án chi trả và làm rõ nếu không chi trả bằng đất như hợp đồng đã ký kết thì thanh toán bằng tiền với đầy đủ cơ sở, chứng cứ pháp lý nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp giữa các bên.