Nhường chuyện giữ tiền cho chồng
Chị Huỳnh Hoa (47 tuổi, ngụ đường Bùi Minh Trực, quận 8, TPHCM) làm nội trợ, có 2 con, đứa đầu đang học đại học. Cứ tưởng bà mẹ thuần làm việc gia đình này sẽ là người giữ tiền chi tiêu trong gia đình, nhưng không, chị chủ động nhường quyền giữ tiền cho chồng.
Chị nói: “Không phải tôi ở nhà nên không dám giữ tiền. Từ hồi mới lấy nhau, hồi đó tôi còn làm nhân viên văn phòng đã từ chối giữ tiền, dù ông chồng năn nỉ ỉ ôi. Hồi đó, bạn bè chê tôi dại, tiền không giữ, lệ thuộc vào chồng nhưng tôi vẫn bảo vệ quan điểm của mình. Nhất là khi sinh 2 bé và nghỉ việc, tôi lại càng không muốn giữ tiền. Tôi nói với anh ấy: “Tiền anh làm ra cực khổ, anh cứ giữ, cần gì anh chi tiêu, em càng khỏe…”.
Bằng chứng cho cái sự khỏe đó là ngoài lo việc bếp núc, dọn dẹp cho tổ ấm, chị Huỳnh Hoa còn rảnh rỗi đi tập yoga, thỉnh thoảng còn đi du lịch đâu đó với “hội mấy bà mẹ yoga” gần nhà, bởi ông chồng tâm lý, sợ vợ ở nhà lo con riết rồi stress.
Câu chuyện của chị Hoa không thiếu ở xã hội hiện tại. Nhiều gia đình cũng phân chia kiểu ai giữ tiền người nấy, hoặc đơn giản là “anh xã giữ tiền cho khỏe”.
Thành Đạt (30 tuổi, kế toán viên ở quận 3), kể: “Tôi giao kèo với vợ là 2 vợ chồng cùng đi làm, mỗi tháng bỏ một khoản chung vô quỹ gia đình lo ăn uống, học phí cho các con, các khoản chi tiêu khác. Chuyện ở thì đã ở nhờ nhà cha mẹ nên không lo. Được một thời gian, vợ tôi bảo chuyển hết lương cho tôi quản, đơn giản vì… mệt mỗi khi đi chợ, mua đồ hay trả tiền điện nước phải nhín chút đỉnh chỗ này, chỗ nọ. Đưa anh giữ thì em khỏi phải lo nữa, chỉ dành thời gian lo cho con, vợ tôi bảo thế. Thế là giờ tôi giữ tiền thật, nhưng cũng dặn hờ vợ là lỡ tháng nào anh xài quá tay thì em phải nhắc anh đó. Lấy nhau 8 năm, chúng tôi hòa thuận, chẳng một lần cãi nhau chuyện ai giữ tiền”.
Những bà vợ sẵn sàng giao tay hòm chìa khóa trong gia đình cho ông chồng, thường được đánh giá là có tính cách thoáng, không nề hà chuyện… đòi tiền chồng khi có việc cần. Tuy nhiên, cũng không thiếu những gia đình, chồng “tay hòm chìa khóa” vì sợ vợ tiêu xài hoang phí, sợ vợ “cho trai”, hay đơn giản hơn là “bà không làm ra tiền nên không có lý do gì để giữ tiền”. Những gia đình kiểu này không hiếm trong xã hội và luôn đem lại sự mệt mỏi cho tất cả thành viên trong gia đình, nhất là người vợ.
Tiền vợ, tiền chồng, tiền chúng ta
Đây là câu hỏi khá lớn trong các gia đình hiện nay. Số lượng phụ nữ giao chuyện tay hòm chìa khóa cho đàn ông thực tế không nhiều. Có nhiều người vợ tôn trọng sự thoải mái nên dù đã lấy chồng nhưng vẫn giữ nguyên quan điểm “tiền ai nấy xài”. Phần đông vẫn là những bà vợ mong muốn chồng đưa tiền để quản lý chi tiêu trong nhà.
Quan trọng ở đây vẫn là sự chia sẻ. Bạn Thành Đạt nói: “Thực ra, trong gia đình, chuyện ai giữ tiền không quan trọng, nhất là những gia đình trẻ, hiện đại. Vợ chồng tôi tâm niệm, vấn đề là chúng ta chi tiêu như thế nào hợp lý để còn lo cho mai sau, lo cho con cái, chứ không quan trọng tiền chung ai giữ. Sau khi kết hôn, bạn không chỉ chia sẻ cuộc sống với người bạn đời, mà còn phải chia sẻ tài chính của mình với người đó. Khi đó, mọi quyết định liên quan tới tiền bạc, bất kể là gì đều có thể ảnh hưởng tới vợ của mình”.
Rõ ràng, tiền bạc giữa vợ chồng có những cách chi tiêu khác nhau. Nếu không phải ai cũng có ý thức và chi tiêu hợp lý thì rất khó có thể vun đắp tiết kiệm cho tương lai. Mỗi gia đình có quy tắc và cách quản lý tài chính riêng, tùy thuộc vào quan niệm, tính cách và tài chính của mỗi người. Tuy nhiên, hãy tạo ra sự bình đẳng trong gia đình bằng việc mỗi người phải hiểu và tự chịu trách nhiệm với những đồng tiền mình kiếm được. Điều đó mới quan trọng trong việc giữ lửa của mỗi gia đình.
Nói như chị Huỳnh Hoa: “Tiền bạc là một trong những vấn đề quan trọng của cuộc sống hôn nhân. Để đồng thuận cần có tình yêu thương trao gửi, tin cậy, gạt bỏ nỗi hoài nghi. Có những người phụ nữ thực sự không thể giữ tiền thì người đàn ông cần gánh vác chuyện này. Tôi nghĩ, không người phụ nữ nào chạnh lòng khi để chồng giữ tiền nếu tâm tưởng đã thông suốt. Quan trọng hơn cả, ai là người giữ, đóng góp và chi tiêu đều nên có kế hoạch từ đầu, thậm chí là từ trước khi kết hôn. Điều đó còn đảm bảo cho sự phát triển ổn định của kinh tế gia đình về sau này”.