Liệu có thành trào lưu?
“Trăm phần trăm” cùng tiếng cụng ly chúc phúc đôi bạn trẻ được ghi nhanh qua clip đám cưới của Tuấn Anh và Mỹ Loan (ngụ tỉnh Bình Phước) chưa bao giờ nghe vui tai đến vậy. Đó là bởi tiếng cụng của những ly nước ngọt, nước suối, là lời chúc phúc tỉnh táo, chân thành của bạn bè và người thân. Lâu nay, người Việt quen với quan niệm - tiệc là phải có rượu bia, vì là ngày vui - ấy vậy mà Tuấn Anh và Mỹ Loan đã mạnh dạn thay đổi quan niệm và chứng tỏ rằng tiệc không nhất thiết phải có rượu nhưng vẫn vui.
Dĩ nhiên, khi thiếu bóng dáng của bia rượu - thức uống thông dụng nhất trong mỗi cuộc vui, thứ nước uống được cho là “sợi dây” để gắn kết mọi người, để người lạ trở thành quen thì ban đầu cũng gây không ít thất vọng cho quan khách. Song nếu làm nên chuyện, tạo thành trào lưu hạn chế thói quen sử dụng bia rượu thì ngại gì không thử!
Cũng từng nghĩ đến việc phải làm gì để quan khách sử dụng ít rượu bia trong tiệc cưới của mình dự kiến được tổ chức cuối năm nay, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu Hậu (quận Thủ Đức) cùng gia đình bàn bạc nhiều nhưng chưa tìm được phương án phù hợp. Sau khi câu chuyện đám cưới không bia rượu của Tuấn Anh và Mỹ Loan lan tỏa trên mạng xã hội và các kênh truyền thông, chị Hậu cho biết bản thân có thêm động lực gạt loại thức uống này ra khỏi bàn tiệc.
“Ban đầu tôi tính chỉ hạn chế số lượng, mỗi người chừng 2 chai bia gọi là cho vui, còn lại sử dụng nước ngọt, nước suối nhưng lo lắng mất lòng quan khách, sợ họ nói rằng gia đình tôi keo kiệt nên chưa dám quyết. Giờ thì tôi tự tin hơn với quyết định gạt hẳn bia rượu ra khỏi bàn tiệc”, chị Hậu cho biết.
Sở dĩ có ý định như vậy bởi cách đây không lâu, anh Nguyễn Văn Đông (chồng sắp cưới của chị Hậu) đụng vào xe người đi đường sau khi say bí tỉ tại đám cưới của một người bạn. Cũng may anh Đông chỉ bị gãy chân và mất 4 tháng để bình phục. Hiểu rõ tác hại của bia rượu và đã từng là nạn nhân của thứ nước uống ấy, anh Đông nhiệt liệt tán thành ý của vợ.
Khoe tấm thiệp tự tay thiết kế với lời gửi gắm sẽ không sử dụng rượu bia trong tiệc cưới, chị Hậu vui bởi rồi đây những người vợ sẽ không phải lo lắng chồng của họ quá chén khi đi dự tiệc cưới của mình. Chưa rõ liệu sắp tới sẽ có bao nhiêu tiệc cưới không dùng bia rượu như tiệc của vợ chồng Tuấn Anh và Mỹ Loan nhưng rõ ràng đây là minh chứng cho thấy tiệc không nhất thiết phải song hành với rượu bia mà tiệc tùng vẫn vẹn niềm vui.
Sự tiếp nhận của người trẻ
Trước đó, vào năm 2013, đám cưới của con trai một vị lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cũng đã từng không sử dụng bia rượu. Thời điểm đó, mạng xã hội chưa phát triển mạnh mẽ nên sức lan tỏa của việc trên có giới hạn rồi chìm dần.
Đám cưới của chị Nguyễn Phạm Kim Thanh (quê Mỹ Tho, Tiền Giang) cách đây không lâu cũng không có bia rượu nhưng khách mời tự đi mua rượu đem vào bàn tiệc uống. Một số người bạn của vợ chồng Thanh thì tỏ rõ thái độ không hài lòng. Họ phản ứng bằng cách dự tiệc cưới chớp nhoáng, sau màn làm lễ, cả nhóm nhanh chóng rút ra quán nhậu phía bên hông nhà hàng nơi Thanh tổ chức tiệc cưới rồi cụng ly, chụp hình đăng Facebook như để “dằn mặt” cô dâu, chú rể.
Nói như vậy để thấy, sự tiếp nhận của người trẻ với những bữa tiệc, nhất là tiệc cưới không bia rượu, ở khía cạnh nào đó còn hạn chế. Có người lý giải, do không được báo trước nên họ dự tiệc với một tâm thế sẽ “uống hết mình, vui tới bến” với đám bạn mà nhờ có tiệc cưới mới tụ họp đông đủ nên sự hụt hẫng là dễ hiểu.
Thanh Hải, nhân viên văn phòng ở quận 3, nêu quan điểm: “Nếu đám cưới của bạn thân, là dịp bạn bè lâu ngày mới gặp nhau thì cần có chút bia, chút rượu cho có không khí. Còn nếu là đám cưới kiểu đi xã giao thì uống nước ngọt, nước suối lại là phương án hay, bởi không nhất thiết phải ngồi lại thật lâu”.
Trong khi đó, Phạm Hữu Luân, 27 tuổi (quận Thủ Đức) lại khẳng định, nếu là tiệc vui thì phải có thứ để làm vật giao lưu, không thể nào cầm ly nước ngọt đi cạn với bạn bè được. Thậm chí có người cho rằng không có bia rượu thì không nên đãi tiệc cưới, chỉ nên báo hỷ. Người khác nói vui: “Biết không bia rượu thì rút bớt chút tiền mừng. Nên tốt nhất cứ đề thẳng trong thiệp mời là đám cưới không chất cồn, để người dự còn dự liệu”.
Dĩ nhiên, trong bối cảnh ở bất cứ cuộc vui nào dù là lễ đầy tháng, thôi nôi của con trẻ hay thậm chí là đám tang… cũng phải có bia rượu thì đám cưới thiếu loại đồ uống này sẽ rất khó “hạp nhãn”. Hãy thử đi dự tiệc cưới rồi trở về với trạng thái tỉnh táo, trang phục lịch sự và nhất là an toàn cho bản thân, cho gia đình và người xung quanh cũng là điều xứng đáng đó chứ !