Không có một sự đền bù nào có thể giúp người thân sống dậy hay giúp xóa bỏ những ký ức đau thương về thời kỳ cầm quyền của cố Tổng thống Philippines Ferdiand Marcos. Thế nhưng khoản tiền nhỏ nhoi được một tòa án ở Hawaii, Mỹ, buộc gia đình ông Marcos trả lại các nạn nhân bị ông này ra lệnh tra tấn và bắt giữ phần nào làm nguôi ngoai nỗi đau.
Những người đầu tiên trong tổng số 7.526 người thuộc Nhóm đơn kiện hành động sẽ nhận được mỗi người 1.000 USD. Số tiền này nằm trong tổng số 2 tỷ USD mà gia đình của ông Marcos đã mua tài sản ở Mỹ và bị tòa án liên bang Mỹ buộc phải trả lại người dân Philippines vào năm 1995. Hilda Narciso, một trong vô số nạn nhân của thời kỳ Marcos, cho biết những năm áp đặt thiết quân luật, bà là giáo viên. Bà đã bị bắt, bị tra tấn và cả lạm dụng xác thịt.
Theo bà, số tiền đền bù ít ỏi nhưng cho thấy rằng những ai làm sai đều phải trả giá cho hành động của mình. Bà không xem đây là chiến thắng cá nhân, tất cả thuộc về người dân Philippines.
Nhật báo Inquirer của Philippines dẫn lời thẩm phán Meinrado Paredes, của Tòa án khu vực Cebu, cho rằng những tổn thất của người dân Philippines trong những năm thiết quân luật “không có gì có thể đền bù”. “Điều quan trọng chúng ta đã có một quyết định lịch sử trước các hành động vi phạm nhân quyền thời Marcos. Những kẻ độc tài và kẻ cướp của dân phải trả lại tiền cho dân” - ông Paredes nói.
Đạo diễn sân khấu và điện ảnh của Philippines, ông Joel Lamangan, là một trong 12 người đầu tiên nhận được 1.000 USD tiền bồi thường, cho biết ông dành số tiền này tặng gia đình những người đã chết, bị mất tích và những người bị mất người thân trong thời kỳ Marcos. Lamangan khi đó mới 17 tuổi đã phải “nếm” đủ loại hình tra tấn dã man trong tù đến mức sắp chết.
Ngoài con số hơn 7.500 người được đền bù nói trên, Quốc hội Philippines cũng đang xem xét nhiều dự luật theo đó sẽ lấy tiền từ tài sản bị tịch biên của Marcos đền bù tiếp cho nhiều nạn nhân của ông. Sau cuộc “Cách mạng quyền lực nhân dân” tháng 2-1986 lật đổ Marcos, người ta phát hiện số tài sản kếch xù của gia đình ông lên đến nhiều tỷ USD, xuất phát từ tiền biển thủ của công trong suốt 20 năm cầm quyền đã được chuyển sang Mỹ, Thụy Sĩ và nhiều nước khác.
Từ nhiều năm qua, các nước trên thế giới đã hợp tác chặt chẽ trong cuộc chiến chống rửa tiền, trong đó có tiền từ tham nhũng. Liên hiệp quốc cũng đã vào cuộc với Công ước quốc tế chống tham nhũng từ năm 2005. Trung Quốc đã ký kết nhiều hiệp ước chống tham nhũng với các nước, khu vực, các ngân hàng và các định chế tài chính quốc tế. Nước này cũng đã tăng cường giám sát các quan tham có dấu hiệu đưa tài sản ra nước ngoài. Những công chức có vợ đang cư trú ở nước ngoài, sẽ bị giám sát chặt hơn vì có khuynh hướng tham nhũng nhiều hơn.
Cuộc chiến chống tham nhũng đang quyết liệt hơn bao giờ hết vì căn bệnh này đang đe dọa sự ổn định của một xã hội. Tài sản của gia đình Marcos được đền bù cho người dân là một tín hiệu tốt và là lời cảnh báo mạnh mẽ cho các chính thể chuyên vơ vét tiền của dân.
Thụy Vũ