Nhưng không phải ai cũng may mắn thực hiện được hoài bão, ước mơ của mình. Khi mong mỏi trở thành sinh viên không đạt được, mỗi thí sinh sẽ có những cảm xúc, suy nghĩ, hành vi khác nhau.
Điều này tùy thuộc vào việc tự đánh giá bản thân của mỗi em, sự kỳ vọng của các em vào chính mình, sự kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô đối với mình. Phản ứng thường thấy là nhiều em buồn, khóc, im lặng và tự trách bản thân, hành hạ chính mình với những hành vi như: tự giam mình, bỏ nhà lang thang, thậm chí thực hiện những hành động dại dột, liều lĩnh.
Lúc này, ứng xử của cha mẹ là tác nhân vô cùng quan trọng để định hướng hành vi cho con cái. Hành động đơn giản mà gia đình cần thực hiện khi con trượt đại học là chấp nhận sự thật, chấp nhận năng lực thực sự của con mình. Thực tế, làm được điều này không phải dễ.
Cha mẹ không nên tỏ ra thương hại, trách móc con, hay đem ra bàn tròn để mổ xẻ nguyên nhân, đem những vấn đề về sĩ diện, về danh dự để gây áp lực và tạo khủng hoảng cho con. Cũng đừng vội vã quyết định thay, phán xét hay áp đặt cho con một cuộc sống mới, một sự lựa chọn mới…
Thực tế đã có rất nhiều tấm gương thành công trong cuộc sống, cống hiến đóng góp cho xã hội nhiều, mà bản thân những người ấy chưa từng có cơ hội đặt chân đến giảng đường đại học. Thời buổi rất nhiều người có bằng cao đẳng, đại học, thạc sĩ, thì việc sở hữu một nghề trong tay sẽ thuận lợi hơn khi tìm việc. Do vậy cha mẹ cũng nên nghĩ đến điều này: Con mình cũng có thể học nghề, nếu thực sự có chí và tài năng, không những sẽ tạo dựng được một cuộc sống đủ đầy về vật chất, mà còn có cơ hội cống hiến cho xã hội.