Sự việc này không khiến giới nghiên cứu quá ngạc nhiên, bởi lẽ nếu sự việc không xảy ra ở chùa Ba Vàng thì nó sẽ xảy ra ở nơi khác. Đây chỉ là hệ quả biến tướng của rất nhiều việc. Chuyện ở chùa Ba Vàng chỉ là chuyển hình thức “dâng sao giải hạn” sang hình thức mê tín dị đoan khác. Nó thể hiện một nhu cầu, hoặc sự rối loạn nhận thức của người dân trong những vấn đề liên quan đến xã hội, văn hóa.
Rõ ràng, bây giờ có những vấn đề liên quan đến đức tin, đến niềm tin của người dân đối với thực tại. Khi niềm tin có thật mất đi, hay bị lung lay, người ta phải đi tìm một niềm tin khác mà tôn giáo hay tín ngưỡng có thể cung cấp. Người ta tìm đến sự cứu rỗi của tôn giáo, tín ngưỡng là vì vậy.
Câu chuyện ở chùa Ba Vàng sẽ trở nên dễ hiểu hơn nếu được đặt trong bối cảnh xã hội tổng thể. Thứ nhất là câu chuyện thiếu vắng niềm tin trong xã hội. Rõ ràng, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhanh chóng trong những năm vừa qua đã là những tiền đề rất tốt để chúng ta có cuộc sống khá giả, tiện nghi hơn; làm tiền đề vật chất cho sự phát triển văn hóa - xã hội.
Mặt khác, nhiều công cụ quản lý của nhà nước, dù được ban hành nhưng không đi vào cuộc sống, khiến các quy định trở thành hình thức và tạo ra cái mà chúng ta hay gọi là “lờn luật”. Những tấm gương về đạo đức trong giai đoạn mới chưa đủ thuyết phục để định hướng nhận thức của nhân dân. Những tranh luận về hướng đi, triết lý phát triển văn hóa, những vấn đề quan trọng của đất nước… ít nhận được sự quan tâm; trong khi, xã hội hướng đến nhu cầu giải trí, những thú vui ngắn ngủi, tạm thời… Tất cả khiến sự thống nhất về niềm tin khó (không) thể đạt được. Và đó là lý do quan trọng để một bộ phận người dân tìm đến với tôn giáo, tín ngưỡng như một sự giải tỏa.
Hệ lụy của việc thiếu vắng niềm tin dẫn đến việc lợi dụng lòng tin để trục lợi của một bộ phận trong xã hội. Nhiều người giả danh vô gia cư để nhận tiền từ thiện, một số người tự biến mình có hoàn cảnh khó khăn để đón nhận lòng tốt của mọi người… Thông điệp tiêu cực đến từ những ví dụ như vậy làm xói mòn lòng tin vào điều tốt trong xã hội, khiến nhiều người dè dặt, thậm chí cảnh giác với chính những điều tốt.
Có lẽ chính sự nghi kỵ, thiếu niềm tin ấy đã dẫn nhiều người đến việc giải quyết những bế tắc, uẩn ức bằng mong muốn được an ủi, đền bù hư ảo. Song cũng phải nhìn nhận khách quan, việc xuất hiện và tồn tại những điều tiêu cực này cũng được xem như một loại quy luật trong một xã hội chuyển đổi nên sẽ phải mất khá nhiều thời gian để khắc phục.
Trong xã hội chuyển đổi, có một khái niệm khoa học là “hiệu ứng con lắc”. Tức là khi người ta thái quá cái này thì sẽ chuyển sang thái quá cái ngược lại. Chẳng hạn, trước kia, chúng ta có một giai đoạn “vô thần” hoàn toàn. Các cơ sở thờ tự, tôn giáo, tín ngưỡng trở thành kho thóc, trường học, ủy ban... để phục vụ nhu cầu thực tế của đúng thời điểm.
Sau thời kỳ đó, xu hướng thần thánh hóa lại bung ra và phát triển thái quá. Người ta có thể cắm hương ở bất kỳ chỗ nào, kể cả gốc cây, đầu đường xó chợ... cái gì cũng “thiêng hóa” được. Thậm chí, người ta còn mê tín hơn cả thời kỳ phong kiến. Bản thân “hiệu ứng con lắc” này cũng có sự điều chỉnh nhưng nó cần có thời gian. Chuyện cả xã hội đang cùng bức xúc, phẫn nộ và lên tiếng chỉ trích việc vấn nạn dâng sao giải hạn, gọi hồn trục vong..., chính là quá trình tự điều chỉnh của xã hội.
Rất mừng là sau khi những hiện tượng tiêu cực, trục lợi niềm tin, tín ngưỡng của người dân để phục vụ lợi ích nhóm bị phản ánh, phanh phui thì các cơ quan, tổ chức liên quan đã cùng lúc vào cuộc mạnh mẽ. Việc các nhà quản lý, nhà khoa học, những chuyên gia, chức sắc tôn giáo cùng lên tiếng nhằm phân tích, phản biện, tìm ra nguyên nhân cũng như đề ra các giải pháp để chấn chỉnh những hiện tượng lệch lạc gây ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội sẽ mang ý nghĩa rất lớn nhằm trấn an dư luận.
Tuy nhiên, cùng với đó, một hình thức xử phạt nghiêm minh, mang tính chất làm gương sẽ giúp xã hội vững tin hơn vào những điều tốt đẹp của cuộc sống, giúp mỗi cá nhân hướng thiện và giúp giữ gìn và Hoằng dương Phật pháp như mong muốn của tất cả mọi người dân Việt Nam.