Sử dụng chất kích thích rồi lái xe là cố sát
Đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc xuất phát từ nguyên nhân chính là do tài xế lái xe khi đã dùng chất kích thích. Có thể nói đó là hành vi cố sát, vì tài xế đã thiếu đạo đức nghề nghiệp, cố ý xem thường pháp luật, coi thường mạng sống của những người cùng tham gia giao thông. Không hiểu, khi đã được cấp giấy phép lái xe đến bằng FC thì tài xế đã học được gì, được đào tạo những gì trong cơ sở đào tạo lái xe về đạo đức nghề nghiệp?
Càng không hiểu người chủ xe thuê tài xế lái xe cho mình đã quản lý, theo dõi người lao động của mình kiểu gì mà không phát hiện tài xế nghiện ma túy để ngăn chặn từ đầu. Tất cả đều từ sự thờ ơ của cả tài xế và chủ xe. Hành vi sử dụng chất kích thích rồi lái xe tải phải xử lý thật nghiêm minh, nếu không thì khó mà loại bỏ được những tài xế thiếu đạo đức nghề nghiệp.
VÕ MINH HUY (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi)
Phải biết giữ mình, nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật
Các tài xế đều phải tự ý thức thực hiện nguyên tắc khi có uống rượu bia thì dứt khoát không lái xe, và phải tự giác tuân thủ, tự rèn luyện chấp hành thành thói quen cho bản thân, để không gây nguy hại cho mình, cho người khác.
Khi sắp lái xe thì kiên quyết không uống rượu bia dù cho có bị nài ép, để được an toàn trên đường. Những người thân trong gia đình cũng nên chủ động khuyên bảo và có biện pháp phù hợp ngăn chặn chồng, vợ, con, em mình sử dụng rượu bia, chất kích thích, nhất là các chất ma túy, khi chuẩn bị lái xe.
Trong những ngày vui xuân sắp tới, tình trạng người đã dùng chất kích thích rồi tham gia giao thông sẽ càng nhiều, mỗi người chúng ta cần phải có dũng khí vượt qua chính mình trước cám dỗ, không uống, không lái xe lúc say. Khi tham gia giao thông, càng phải biết giữ mình, nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật.
MỤC ĐỒNG (phường 5, TP Cà Mau)
Cần tăng mức phạt lái xe dùng chất kích thích
Đã xảy ra nhiều vụ TNGT do tài xế có dùng bia rượu, ma túy gây ra, nhưng tại sao chuyện này vẫn tái đi tái lại nhiều lần? Câu trả lời trước tiên là một bộ phận tài xế coi thường pháp luật, tiếp đó là chế tài của pháp luật chưa đủ hiệu lực để răn đe. Cho dù luật cho phép phạt đến 16 - 18 triệu đồng, nhiều tài xế vẫn sẵn sàng chịu phạt để đổi lấy một cơn say với bạn bè.
Còn chuyện tước giấy phép lái xe 4 - 6 tháng cũng chỉ là “chuyện nhỏ”. Ở một số quốc gia, chỉ cần có nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép là phạt nặng và có thể phạt tù; không hẳn là đợi đến khi gây TNGT thì mới bị xử lý hình sự.
Để phòng tránh những trường hợp tài xế dùng rượu bia, ma túy gây ra TNGT, cái cốt lõi là cần ngăn ngừa ngay từ trong trứng nước. Cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Nghị định 46/2016, tăng hình thức phạt tiền lên gấp nhiều lần so với mức hiện hành và quy định tước giấy phép lái xe vĩnh viễn khi tài xế uống rượu bia vượt ngưỡng cho phép, hay có dính ma túy mà vẫn lái xe.
NGUYỄN MINH ÚT (huyện Cần Đước, tỉnh Long An)
Quy định rõ trách nhiệm của người chủ xe, chủ doanh nghiệp
Thực tế hiện có không ít chủ xe, chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải thiếu quan tâm đến sức khỏe của tài xế, không có hồ sơ theo dõi sức khỏe, không tổ chức khám sức khỏe định kỳ đối với tài xế. Việc bỏ qua những quy định, hoặc cố ép tài xế xoay vòng, chạy xe liên tục nhiều giờ trong ngày, khiến tài xế không có thời gian nghỉ ngơi, đã dẫn đến nhiều vụ TNGT nghiêm trọng do tài xế không có đủ sức khỏe và sự tỉnh táo.
Do vậy, ngoài việc khởi tố và xử lý nghiêm khắc người trực tiếp gây ra TNGT nghiêm trọng, cần thiết phải xử phạt hình sự nghiêm đối với trách nhiệm liên đới của chủ doanh nghiệp hoặc chủ xe khi giao phương tiện - nguồn nguy hiểm cao độ - cho người không đủ điều kiện về tình trạng sức khỏe, cũng như sử dụng rượu bia, các chất kích thích, ma túy trước khi cầm lái.
Cần quy định rõ trách nhiệm của người chủ xe, chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải có trách nhiệm tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ cho tài xế một quý một lần (4 lần/năm) vì đây là công việc, ngành nghề có tính chất đặc thù, được xem là công việc nặng nhọc, nguy hiểm và cần có hồ sơ sức khỏe để theo dõi.
NGUYỄN ĐỨC NGUYÊN (quận 5, TPHCM)