Qua 3 lần tổ chức trước đây, “Vẽ lên cổ tích” đã đóng góp số tiền trên 200 triệu đồng gửi tặng Quỹ Thiện Nhân và những người bạn, giúp đỡ những em nhỏ kém may mắn, không may bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục.
Năm nay, hoạt động “Vẽ lên cổ tích” lần 4 vừa diễn ra vào ngày 7-4 tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Bên cạnh sự góp mặt của hơn 50 bạn nhỏ, chương trình còn có sự tham gia, hướng dẫn của 10 họa sĩ gạo cội đến từ Hà Nội (hiện đang có triển lãm Đáo Xuân 2019 tại đây) như: Đỗ Hương, Nguyễn Xuân Khánh, Bùi Thế Khánh, Đinh Minh Đông…
Nhà báo Trần Mai Anh, người đồng sáng lập và quản lý Quỹ Thiện Nhân và những người bạn, cho biết: “Sau khi quỹ hoạt động được 6 năm, tôi và họa sĩ Tô Chiêm, họa sĩ Đỗ Hương cùng NXB Kim Đồng có suy nghĩ đến hoạt động nào đó để có thể gây quỹ nhưng quan trọng hơn là tạo ra không gian cho các em nhỏ có nơi để vẽ. Và “Vẽ lên cổ tích” ra đời với những hoạt động đầy ý nghĩa, nhân văn, tiếp thêm năng lượng tích cực cho các bệnh nhân nhỏ tuổi thiếu may mắn mà chúng tôi hướng tới.
Tác phẩm của các em sẽ có nhiều ý nghĩa hơn khi là cơ hội phẫu thuật, cơ hội thay đổi cuộc đời của những em nhỏ kém may mắn khác. Một khi thay đổi cuộc đời của một ai đó, thì đó đã là điều kỳ diệu. Chúng tôi muốn tạo nên những câu chuyện đẹp, không chỉ với những em nhỏ được phẫu thuật, mà cho cả những em tham gia chương trình cũng như tất cả mọi người”.
Theo chia sẻ của nhà báo Trần Mai Anh, tính đến nay chương trình đã thực hiện được tổng cộng 410 ca phẫu thuật và thăm khám cho gần 1.500 bệnh nhân, trong đó có 9 ca bệnh nặng, tạo hình dương vật thành công. Các em hiện tại đã có cuộc sống bình thường, tự tin đến trường và tham gia các hoạt động cộng đồng. Nhiều em nhỏ được tiến hành 3, 4 và thậm chí 6 cuộc phẫu thuật để có thể phục hồi hoàn toàn. Lần đầu tiên tham gia sân chơi “Vẽ lên cổ tích”, bé Phương Nghi (lớp 6 Trường THCS Colette, quận 3) đã hoàn thành bức tranh Đoàn tụ ngay trong buổi sáng 7-4. “Con cảm thấy rất vui khi có thể giúp các bạn kém may mắn. Con vẽ bức tranh tên Đoàn tụ để mong các bạn có một gia đình ấm áp, hoặc những ai chưa may mắn thì sẽ sớm được đoàn tụ với gia đình. Con mong các bạn có thêm nhiều nghị lực trong cuộc sống, cố gắng sống tốt; nếu sống tốt thì sẽ nhận được những điều tốt đẹp”.
Giống như bé Phương Nghi, chị Hoàng Lan (ngụ tại quận 3, TPHCM), phụ huynh của bé Nguyễn Hoàng Mai Phương, cũng mới biết đến “Vẽ lên cổ tích” trước đó một ngày. “Con gái tôi tham gia lớp học vẽ tại Wow Art, lúc cô giáo liên hệ cho bé tham gia thì tôi mới biết đến chương trình này. Tôi nghĩ đây là cách để các em được trải nghiệm cũng như có thể đóng góp, hỗ trợ các bạn nhỏ kém may mắn hơn. Việc cho con tham gia “Vẽ lên cổ tích” có ý nghĩa rất nhiều, giống như cách giáo dục để con biết đóng góp vào xã hội nhiều hơn, chứ không phải từ tiền của bố mẹ bỏ ra”, chị Hoàng Lan tâm sự.
Hành trình 4 năm chưa phải là dài nhưng cũng không còn ngắn, “Vẽ lên cổ tích” đã trở thành chương trình được quan tâm và yêu mến qua mỗi lần tổ chức. Nhà báo Trần Mai Anh đúc kết: “Điều giúp chương trình tồn tại và được mọi người yêu mến, đồng hành đến bây giờ đã ít nhiều tạo được hiệu ứng lan tỏa nhất định, không phải vì gây được quỹ cho các em nhỏ. Quan trọng hơn là các em tham gia vẽ hay những người quan tâm cảm nhận được cuộc sống tốt đẹp hơn, xung quanh mình vẫn còn rất nhiều yêu thương mà mọi người dành cho nhau”.