Khi cô chủ nhiệm“giận cá chém thớt”

Mỗi khi đón con học lớp 9 ở một trường THCS quận Phú Nhuận về nhà,  tôi thường có thói quen dò hỏi cháu về những chuyện xảy ra ở lớp, ở trường. Mới đây, cháu tỏ ra bực bội khi kể lại thái độ khó hiểu, “giận cá chém thớt” của cô giáo chủ nhiệm trong giờ sinh hoạt đầu tuần.

Sau khi mở màn giờ sinh hoạt bằng thái độ không vui, nét mặt hằm hằm và nói đủ thứ chuyện dông dài, cô ra oai răn đe học sinh thế này thế nọ. Theo con tôi, cảm giác ngày đầu tuần đến trường đầy hứng thú đã bị “dội gáo nước lạnh” và không khí lớp học nặng nề, ngột ngạt đến khó thở. Rồi cô đột nhiên yêu cầu lớp trưởng xuống phòng y tế lấy chai xịt muỗi lên, sau đó, cô xịt khắp phòng học như chốn không người. Thấy tất cả học trò im lặng và nhìn mình khó hiểu, cô nói tỉnh bơ: “Tôi thích thì tôi xịt. Các người làm tôi không vui…”. Một số ít học trò tỏ ra khó chịu, muốn đứng lên chất vấn thái độ, hành động khó hiểu và gây phản cảm của cô, nhưng thói quen “im lặng là vàng” khiến các em nhẫn nhục chịu đựng.

Ảnh minh họa



Kể lại câu chuyện xảy ra ở học đường, con gái tôi ấm ức và nói: “Con tính đứng lên hỏi cô vì sao cô làm như thế nhưng bạn ngồi bên ngăn con lại. Cả một ngày học ở trường con cứ bị ám ảnh hành động cư xử thiếu tế nhị, coi thường học trò của cô chủ nhiệm, khiến chúng con mất hứng học các môn khác”. Con tôi còn kể thêm rằng nhiều bạn trong lớp cũng có chung bức xúc này nhưng không dám phản ánh với ban giám hiệu, vì có nhiều chuyện đã từng phản ánh nhưng không được lắng nghe, giải quyết. Thậm chí, học sinh lỡ phản ánh những chuyện bất bình ở học đường còn bị giáo viên chủ nhiệm chất vấn, hỏi tội “tại sao đi méc ban giám hiệu hoặc cha mẹ mà không nói với tôi?”.

Nhưng cô chủ nhiệm không hiểu rằng chính cô đã xa rời học trò bằng thái độ trịch thượng, thiếu tâm lý, kỹ năng sư phạm cần thiết. Vì cô không gần gũi, lắng nghe và thấu hiểu tâm lý tuổi teen, tự cho mình quyền tối cao muốn làm gì trên bục giảng cũng được nên đã hành xử thiếu chuẩn mực, gây phản cảm đối với học trò của mình. Đừng nghĩ các em còn nhỏ mà thiếu tôn trọng và ứng xử thiếu công bằng. Để học sinh cảm nhận đúng ý nghĩa của câu khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui” thì từ giáo viên chủ nhiệm đến giáo viên bộ môn phải là những tấm gương về tác phong, đạo đức. Nếu không thể truyền cảm hứng thích học, thích đến trường thì cũng xin đừng gieo vào tâm hồn các em sự bực bội, chán nản vì cách cư xử thiếu chuẩn mực như câu chuyện trên đây.

HOÀNG PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục