Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2008. Theo đó, sẽ tăng cường hình thức họp trên mạng, trao đổi văn bản, tài liệu qua thư điện tử... giữa các cơ quan nhà nước, đồng thời tổ chức nhiều cuộc họp qua mạng giữa các tỉnh thành với nhau.
Năm 2008 cũng là năm “đòn bẩy” để TP đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính với mục tiêu xây dựng được việc giao dịch điện tử và môi trường làm việc điện tử… Muốn xây dựng được những hệ thống ứng dụng CNTT từ trung ương đến địa phương như thế, rất cần một đội ngũ điều hành, quản lý và chuyên viên CNTT. Nếu không có lực lượng này thì hệ thống sẽ hoạt động kém hiệu quả, mất an toàn và thậm chí sẽ thất bại ngay từ khi mới triển khai.
Theo số liệu điều tra khảo sát, thì hiện nay có hàng chục ngàn công chức, chuyên viên CNTT làm việc trong cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, do ngạch, bậc công chức công tác CNTT chưa được xây dựng, nên đã phần nào hạn chế việc triển khai CNTT trong các đơn vị, đặc biệt là tạo nguồn nhân lực và thu hút nhân sự về làm việc trong lĩnh vực CNTT ở các cơ quan hành chính nhà nước. Các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương đang chứng kiến cảnh nhân viên tin học của mình cứ lần lượt “dứt áo” ra đi tìm nơi khác.
Theo lời một cán bộ thì “họ đi gần hết, lĩnh vực này thường xuyên thay mới, mặc dù đã có phụ cấp nhưng không ăn thua”! Riêng ở TPHCM thì hầu hết các quận đều đang bị “chảy máu chất xám” nguồn nhân sự CNTT. Số lượng chuyên viên bỏ nhiệm sở ra ngoài làm khi được đào tạo nâng cao về CNTT chiếm tỷ lệ rất cao: từ 60% đến 70%, thậm chí có nơi đến 90% số người vừa được đào tạo.
Khi các cơ quan nhà nước vẫn chưa có chức danh quản lý CNTT (CIO - nhà quản lý CNTT - mới chỉ có trong nghị định) và chuyên viên tin học vẫn phải ăn lương như văn thư, đánh máy thì chuyên viên CNTT rời bỏ nhiệm sở cũng là điều không có gì lạ!
Linh Đan