Thực tế, còn nhiều cơ quan hành chính tại TPHCM không thực hiện theo quy định này, tìm cách né tránh việc tiếp dân, hoặc không công khai lịch tiếp dân.
“Bận họp”
Chúng tôi đến UBND phường 2, quận 6 vào đầu giờ sáng thứ hai, hỏi các nhân viên tại đây: “Xin hỏi tuần này lãnh đạo có tiếp công dân không?”. Một nữ nhân viên trả lời: “Có lịch dán phía trước đó chú” - “Không thấy có” - “Có mà”.
Nói rồi, nữ nhân viên này chỉ tay ra hướng ngoài cửa, quả quyết với tôi: “Dán công khai ngoài đó lâu rồi. Theo lịch, sáng nay chủ tịch phường tiếp mà”. “Không, chị ơi, có trong này này”, một nữ nhân viên phía trong chạy ra, vừa nói vừa đưa chúng tôi xem 2 tờ giấy ghi rõ lịch tiếp công dân của tháng 5 và 6, có dòng ghi: Thứ hai, 20-5, từ 7 giờ 30 đến 11 giờ 30, Chủ tịch UBND phường Tăng Văn Thanh Dũng.
“Hôm nay chủ tịch có tiếp dân không?”, chúng tôi hỏi lại. “Dạ có! Nhưng giờ này chủ tịch đi họp rồi. Ai muốn gặp chủ tịch phải đăng ký trước”, một nam nhân viên trả lời.
Tại UBND phường 12, quận 8, lúc 9 giờ 15 sáng thứ hai đầu tuần, một nhân viên hướng dẫn chúng tôi xem bảng niêm yết lịch tiếp công dân treo phía trước, giải thích: “Sáng nay, theo lịch 7 giờ 30 là tiếp công dân, nhưng giờ này các lãnh đạo đang họp”.
Đến UBND phường 4, quận 5 lúc 10 giờ 15, chúng tôi hỏi một nhân viên ngồi bàn ngoài cùng: “Tuần này lãnh đạo phường có tiếp dân không ạ?” - “Chưa biết nữa chú”. “Không thấy lịch tiếp dân hàng tuần niêm yết để dân biết?”, chúng tôi hỏi tiếp. “Giờ này lãnh đạo đang họp, chiều chú quay lại sẽ có lịch tiếp công dân”, nhân viên này nói.
Đến UBND các phường 8, 9 của quận 8 trong buổi sáng thứ hai đầu tuần, chúng tôi ghi nhận đều có niêm yết lịch tiếp công dân hàng tuần tại trụ sở.
Tại UBND phường 8, các nhân viên tại đây cho biết: “Sáng thứ hai, theo lịch là chủ tịch tiếp dân, nhưng sáng giờ đi họp” - “Theo lịch là sáng thứ hai phải tiếp dân mà” - “Đúng, nhưng phải đăng ký trước. Có đăng ký thì mới tiếp, còn không chủ tịch phường phải đi làm việc khác chứ”.
Thấy hầu hết nhân viên trong phường không đeo bảng tên, chúng tôi hỏi người đang giải thích với mình: “Anh làm gì ở đây?” - “Phó Chủ tịch ủy ban” - “Tên gì ạ?” - “Huân, Hồ Hoàng Huân”.
Tại UBND các xã ở ngoại thành, tình trạng lãnh đạo “quên” tiếp công dân cũng khá phổ biến. Dù lịch tiếp công dân hàng tuần đã được niêm yết ngay tại ban tiếp công dân, nhưng khi chúng tôi hỏi đến thì đều nói “Lãnh đạo đi họp”.
Việc khó đẩy lên trên
Vụ việc căn nhà 41 - 43 Nguyễn Trãi, phường 2, quận 5, mà thời gian qua nhiều lần chúng tôi phản ánh qua các bài viết về sự chậm trễ, gây khó của Văn phòng Đăng ký đất đai Chi nhánh quận 5, khiến người dân phải đi lại không biết bao nhiêu lần trong hơn 3 năm qua cho thấy, từ phường đến quận đều tìm cách “né” tiếp dân, đẩy vụ việc sang hết cơ quan này đến cơ quan khác.
Bà Huỳnh Thị Hồng Hoa, một trong những đồng thừa kế được ủy quyền đứng ra làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận sở hữu căn nhà, bức xúc nói: “Báo chí đã nhiều lần phản ánh và gia đình cũng “gõ cửa” khắp nơi xin gặp lãnh đạo mà chẳng nơi nào chịu tiếp dân để giải quyết cho xong vụ việc”.
Tại huyện Hóc Môn, bà Nguyễn Kim Sang (ngụ xã Xuân Thới Đông) có lô đất hơn 600m2 gia đình đang sử dụng bỗng nhiên bị UBND huyện cấp giấy chứng nhận cho người khác. Suốt từ năm 2007 đến nay, bà Sang đã đi khắp nơi từ xã, huyện đến thành phố yêu cầu được gặp lãnh đạo nêu vụ việc, nhưng đều bị từ chối.
“Xã bảo lên huyện hỏi, vì trên đó họ cấp giấy; lên huyện thì nói về xã. Lên thành phố thì lại bảo về huyện, xã gặp lãnh đạo, vì dưới đó họ nắm được việc. Cứ thế, hơn 10 năm rồi tôi vẫn chưa gặp được ai”, bà Sang bức xúc nói.
Còn rất nhiều trường hợp tương tự mà người dân phản ánh, nếu được lãnh đạo chính quyền ở cơ sở tiếp, hướng dẫn, giải thích ngay từ đầu thì người dân đã không phải đi lại mất thời gian.
Ông Phan Thanh Tuấn, Phó Ban tiếp công dân TPHCM, cho biết theo Luật Tiếp công dân, chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn hàng tuần phải dành ra 1 ngày tiếp công dân. Lịch tiếp công dân phải niêm yết công khai và được thực hiện đúng, để bất cứ lúc nào người dân đến là tiếp, không có chuyện hẹn trước, xếp lịch mới tiếp. “Luật không quy định phải đăng ký trước. Lịch tiếp dân đã được công bố, người dân có nhu cầu ngày đó đến là phải tiếp. Tới ngày tiếp dân mà người tiếp lấy lý do bận họp, không tiếp là không đúng”, ông Phan Thanh Tuấn khẳng định. |