Thích thể hiện mình là một đặc tính ấn định cho con người trong giai đoạn “khi người ta lớn”. Nhiệt huyết sục sôi tuổi trẻ đi cùng sự nóng vội, bốc đồng là điều cần cảm thông cho giới trẻ. Thế nhưng, từ vài hiện tượng tự phô mình một cách lố lăng, mất phương hướng của một bộ phận giới trẻ ngày nay, vấn đề về “cái tôi” cần được nhìn nhận lại.
Những “cái tôi” hoang mang
Cộng đồng mạng chắc hẳn chưa quên hiện tượng Quân Kun bạc nhược, “chiêu trò” khi quỳ gối năn nỉ Ban giám khảo chương trình Vietnam Idol 2014 để xin vé vớt vào vòng trong, trước đó cậu đã gây tai tiếng bằng những clip khoe bản thân một cách lố bịch. Hay hiện tượng “bà Tưng” Huyền Anh bất chấp danh dự, tung những clip nhạy cảm, khoe thân hòng được mọi người biết đến...
Tháng 7-2012, cộng đồng mạng xôn xao trước hình ảnh một thanh niên mặc nguyên quân phục giết voọc chà và chân xám quý hiếm một cách man rợ để khoe lên Facebook, sau đó khi bị điều tra anh ta khai làm thế chỉ để cho oai với bạn bè. Hay mới đây là vụ “thầy trò choảng nhau” tại một trường THPT ở tỉnh Bình Định.
Chưa hết, nhiều bạn trẻ là tín đồ Kpop thể hiện mình bằng cách bắt chước từ gu ăn mặc, để tóc tai đến cách ứng xử cho thật giống “sao Hàn”. Một vài người trẻ dễ dàng “copy” văn hóa khắp nơi để “dán” vào bản thân, bất chấp điều đó có phù hợp hay không.
“Cái tôi” vốn không xấu, chính “cái tôi” mới dẫn đến sự sáng tạo, thậm chí làm nên những con người khác biệt và vĩ đại. Thích thể hiện mình là một đặc tính ấn định cho con người trong giai đoạn “khi người ta lớn”. Nhiệt huyết sục sôi tuổi trẻ đi cùng sự nóng vội, bốc đồng là điều mà nhiều người lớn nhìn thấy được và cảm thông cho giới trẻ. Thế nhưng, những sự việc liên tiếp vừa nêu cho thấy một bộ phận người trẻ đang mất phương hướng trong cách thể hiện “cái tôi”.
Và “cái tôi”… trẻ hóa
Nếu quan sát lứa tuổi sinh ra từ những năm 2000 trở về sau, chúng ta sẽ thấy “cái tôi” đến với các em còn sớm hơn, ở độ tuổi dưới 10.
Chị N.T.T. (56 tuổi, ngụ đường Trần Văn Đang, P.11, Q.3, TPHCM) chia sẻ: “Câu chuyện trong gia đình tôi là một câu chuyện đáng buồn. Tôi được vợ chồng người em gái họ nhờ lên Sài Gòn giúp trông con giúp, bù lại hàng tháng tôi có ít tiền lo cho con tôi đóng học phí. Vợ chồng em gái tôi thành đạt, khá giả, muốn dạy con một cách khoa học, tân tiến. Nhưng tôi thấy mọi sinh hoạt cũng như cách ứng xử của gia đình em tôi rất lạ, việc ai người nấy làm, rất ít thăm hỏi hay chào nhau, những hôm vợ chồng nó được nghỉ cũng rất ít khi bên con. Tôi là dì của bé Sóc (5 tuổi) nhưng Sóc được các em tôi dặn đi đâu về chỉ chào ba mẹ chứ không chào tôi; một bữa ăn chỉ nấu đủ khẩu phần 3 người (Sóc và vợ chồng em tôi) chứ tôi không được ăn chung. Vợ chồng em tôi cư xử như vậy không chỉ khiến tôi buồn tủi mà còn phần nào “bày vẽ” cháu tôi tính ích kỷ và xem thường người khác. Khi bà nội qua thăm, Sóc mừng lắm, thế nhưng bé dẫn bà nội đi rửa tay, rửa mặt bằng xà bông sạch sẽ rồi mới cho bà ôm hôn. Ở nhà vợ chồng em tôi thường nói chuyện với con bằng tiếng Anh nên khi nói chuyện với tôi thì cũng toàn là “you”, “yes”, “no”. Có khi cha mẹ gọi, bé trả lời trống lốc “what”, “why”. Mỗi lần bé làm sai tôi bắt phải xin lỗi thì nó chỉ nói “sorry” cụt ngủn rồi quay ngoắt đi. Tôi rất bất bình về cách dạy con của cha mẹ bé”.
Mang câu chuyên về “cái tôi” của đứa bé 5 tuổi hỏi bà Lê Thị Lệ Vân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi 3, Q.5, TPHCM, bà cho biết: “Thường trẻ em dưới 5 tuổi ít bộc lộ bản thân quá mức, trừ trường hợp trẻ được gia đình quá cưng chiều. Ông bà, cha mẹ đều tập trung quanh đứa trẻ khiến bé tự coi mình là trung tâm. Nếu trẻ được sinh hoạt trong một môi trường tập thể thì sẽ giảm cái tôi, tăng cái ta, biết chia sẻ, tôn trọng người khác”. Vì vậy, theo bà, trường luôn có các hoạt động hướng ngoại để trẻ yêu thiên nhiên và hướng ra cộng đồng để trẻ phát triển lòng nhân ái. Trường đã duy trì truyền thống “Tết sẻ chia” trong suốt 5 năm qua, cô trò mang quà đến tặng hàng trăm bệnh nhi ung bướu, trẻ khuyết tật, mồ côi…
Nguyên do nào?
Chúng tôi không tìm được những nghiên cứu, khảo sát mang tính xã hội học hay nhân học liên quan nguyên nhân bùng phát “cái tôi” ở người trẻ tại Việt Nam. Nhưng nhìn một cách khách quan có thể thấy, lứa trẻ 8X, 9X đang sống trong một môi trường thuận lợi để cái tôi dễ dàng bộc phát.
Trong khi thế hệ cha mẹ họ lớn lên khi đất nước vừa hòa bình, cần sự đóng góp tập thể để kiến tạo, xây dựng, thế hệ 8X, 9X vừa lớn lên đã sống trong sự thừa hưởng từ nền tảng xây dựng trước đó, họ hưởng thụ nhiều hơn.
|
Phương tiện truyền thông đại chúng thời gian qua đã hô hào, cổ vũ rất nhiều cho cái tôi cá nhân trỗi dậy mạnh mẽ, thông qua các cuộc thi, các cuộc trình diễn đòi hỏi các bạn phải thể hiện cho được phong cách, cá tính hay những cái riêng của mỗi người. Vì thế mới có chuyện trong một cuộc thi ca hát, các thí sinh cùng thể hiện chung một bài mà mạnh người nào người nấy hát theo giọng riêng của mình để chinh phục Ban giám khảo, để rồi bài hát không có sự hòa quyện, nghe rất thê thảm.
Bên cạnh điều kiện kinh tế phát triển, gia đình ít con, còn là khoa học kỹ thuật hiện đại, thế hệ trẻ ngày nay được gọi là “iGeneration” (thế hệ của Internet). Quả vậy, game nhập vai, điện thoại thông minh, Internet, mạng xã hội… trở thành mảnh đất màu mỡ để con người xả mọi bực dọc, sự yếm thế trong đời thực và tùy nghi thể hiện “cái tôi” hoàn hảo theo ý muốn, trong thế giới ảo. Cùng lúc đó, việc xây dựng mối liên kết thật với gia đình, xã hội dần nhạt nhòa. Trong điều kiện mà sự hưởng thụ ở mức độ cao và dễ dàng hơn thì “cái tôi” ấy bạo liệt hơn, mạnh mẽ hơn song cũng vẫy vùng, hoang mang hơn.
Trước sự thể hiện bản thân của con trẻ, nhiều bậc phụ huynh đang tỏ ra bối rối. Có nên bù đắp cho sự thiếu thốn về vật chất của mình xưa kia thông qua đứa con? Có nên đọc quá nhiều sách về nuôi dạy con dựa trên những nền tảng văn hóa khác nhau để áp dụng lên con? Cách nào để nhận biết mình đang chuyển từ sự tôn trọng con sang thỏa mãn con quá mức?...
Trong khi nhiều bà mẹ đang hoang mang trong cách dạy dỗ con cái thì có lẽ câu nói của nhà tâm lý học Đức Erich Fromm vẫn còn nguyên giá trị mà các bà không để ý đến: “Yêu thương là một môn nghệ thuật mà ta phải học tập mới nắm bắt được”. Rõ ràng các bậc phụ huynh đang dần quá yêu thương con thay vì biết cách yêu thương con!
NHÓM PHÓNG VIÊN