Theo bộ này, dù mới có 16 bộ, cơ quan và 28 tỉnh, thành phố gửi báo cáo, có thể thấy các đơn vị tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng nhìn chung vẫn chưa chuyển biến căn bản. Một số báo cáo của bộ, ngành, địa phương “nêu hành động thực thi chung chung, đôi khi chỉ là lặp lại các nội dung yêu cầu của nghị quyết, kết quả không rõ ràng”.
Cụ thể, hầu hết các bộ trình dự thảo nghị định về cắt giảm, sửa đổi điều kiện kinh doanh đúng hạn, mặc dù đến nay mới có 2 nghị định cắt giảm, sửa đổi điều kiện kinh doanh được ban hành (gồm Nghị định 08/2018/NĐ-CP về sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công thương và Nghị định 100/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng) với 858 điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa. Điều này đồng nghĩa với việc thực hiện cắt giảm điều kiện kinh doanh mới chỉ đạt 30% so với yêu cầu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước... là những bộ, cơ quan tích cực thực hiện nhiệm vụ này, với phương án cắt giảm thực chất. Bộ Công an không đề xuất xây dựng Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định quy định về điều kiện kinh doanh mà đề xuất sửa riêng từng văn bản, nhưng thời hạn thực hiện trong năm 2019, không phải năm 2018. Bộ GTVT không đề xuất xây dựng một văn bản sửa nhiều văn bản mà đề xuất sửa 9 nghị định liên quan.
Phân tích nội dung cắt giảm và hiệu quả cắt giảm điều kiện kinh doanh, Bộ KH-ĐT cho rằng vẫn còn những điều kiện kinh doanh “không phù hợp, không cần thiết, không đạt hiệu quả quản lý”. Đáng lưu ý, tình hình và kết quả cải cách quy định về thủ tục hải quan và quản lý chuyên ngành đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu được nhìn nhận là “ít có sự biến chuyển”.
Một số văn bản mới ban hành còn “đẻ” thêm thủ tục, gây khó khăn, phiền phức hơn cho doanh nghiệp so với trước đây. Chẳng hạn, thủ tục chuẩn bị tờ khai theo Thông tư 39/2018/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan, thuế và quản lý thuế với hàng hóa xuất, nhập khẩu) tăng thêm và gây tốn kém thời gian hơn cho doanh nghiệp.
Nghị quyết 19 của Chính phủ yêu cầu 12 bộ báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ về cải cách hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành, trong đó có nội dung cắt giảm 50% danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành. Trong quý 3, chỉ có 3 bộ: Tài nguyên và Môi trường, NN-PTNT, GTVT báo cáo về nội dung này, nhưng kết quả thực hiện cũng chưa đạt yêu cầu.
Ví dụ, Bộ NN-PTNT có 7.698 dòng hàng và bộ xác định danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành trước thông quan là 1.675 dòng hàng. Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT thì tỷ lệ cắt giảm là 78,2%. Tuy nhiên, con số này chưa chính xác; 78,2% không phải là tỷ lệ cắt giảm mà là chuyển từ giai đoạn trước thông quan sang giai đoạn sau thông quan.
Nhìn chung, qua tập hợp kết quả về rà soát, cắt giảm danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành mà các bộ, ngành báo cáo, Bộ KH-ĐT cho rằng vẫn chưa có nhiều chuyển biến đáng kể.