Theo nhiều người dân sinh sống lâu năm ở Vũng Tàu, trước đây gần như năm nào cũng vậy, cứ đến giữa tháng 7 đầu tháng 8 thì rác từ đại dương lại theo sóng lớn ập vào bờ biển Vũng Tàu. Hình ảnh rác trải dọc bờ biển thường chỉ thấy sau mỗi dịp lễ, khi “thả cửa” cho du khách ăn uống, nhậu nhẹt tràn lan, chưa bị cấm cản. Nhưng kể từ thời điểm năm 2014, chính quyền cương quyết nói không với ăn nhậu nơi công cộng, thì vấn nạn xả rác bừa bãi đã dần được giải quyết và qua đó đã tăng thêm điểm cộng cho cảnh quan du lịch phố biển về độ sạch.
Thế nhưng vài năm trở lại đây, trong dải rác lục bình, cành cây mục kéo dài cả km thì loại rác thải nhựa như, chai lọ, ly, túi ni lông chiếm tỷ trọng ngày một nhiều hơn. Nguyên nhân là tình trạng người dân, du khách xả rác, đặc biệt là rác thải nhựa ở nhiều điểm tái diễn, khiến hoạt động du lịch đang ít nhiều bị ảnh hưởng. Ghi nhận trên tuyến đường dẫn vào nội ô thành phố, từ khu vực cầu Cỏ May đến gần khu vực tượng đài Dầu khí, chúng tôi đã bắt gặp không ít đống rác to nhỏ ở 2 vệ đường.
Buổi sáng, dọc từ khu vực Bãi Trước đến Bãi Sau, không khó để bắt gặp hình ảnh những ly nước, những bọc ni lông đựng đồ ăn vặt bị người dân, du khách “bỏ quên” lại trên dọc kè đá. Nếu may mắn thì chúng sẽ được công nhân vệ sinh môi trường đến dọn, còn nếu không sẽ bị gió thổi bay xuống biển nổi lập lờ hoặc kẹt ở các khe đá.
Tại khu vực Bãi Sau, nơi có hoạt động du lịch sầm uất nhất nhì phố biển, ngay trên đường Mạc Thanh Đạm, một đống rác to đùng gần sát với trụ hoa giấy một thời từng là điểm check-in nổi tiếng của giới trẻ, nhưng nhiều tháng nay vẫn không được thu dọn. Và không chỉ ở dưới biển, ngay cả ở các cung đường lên núi Lớn, núi Nhỏ cũng xuất hiện ít các đống rác gồm vỏ ly trà sữa, hộp xốp, vỏ nước ngọt hình thành từ những hành động xả thải kém văn minh.
Thực trạng trên đòi hỏi cần phải ngăn chặn ngay tình trạng xả rác thải ra môi trường, trong đó, cần có sự chung tay của cả cộng đồng và việc trước mắt là tổ chức thu gom rác thải nhựa, tăng cường truyền thông để người tiêu dùng hạn chế sử dụng túi ni lông, hộp xốp và đồ nhựa dùng một lần. Đồng thời, cần chấm dứt thói quen xả rác vừa bãi, bỏ rác lẫn lộn chưa qua phân loại, bởi điều này là mối nguy cho công tác bảo vệ môi trường cũng như lãng phí tài nguyên.
Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường xử phạt để tạo thói quen không xả rác nơi công cộng, nhằm tạo môi trường xanh sạch đẹp cho một thành phố du lịch.