Sự kiện này trở thành hiện tượng mới, đánh dấu bước đột phá của AI trong lĩnh vực nghệ thuật.
Portrait of Edmond de Belamy là 1 trong 11 bức họa do AI của Obivious thực hiện. Tác phẩm này của Công ty nghệ thuật Obvious có trụ sở tại Paris, Pháp và được thực hiện thông qua việc sử dụng thuật toán với tên gọi “Các mạng lưới đối kháng sinh mẫu”. Nhà đồng sáng lập Công ty Obvious Hugo Caselles-Dupre cho biết, thuật toán này bao gồm 1 bộ phát và 1 bộ phân tách. Hệ thống AI của Obvious đã được nhập dữ liệu của 15.000 bức chân dung được vẽ từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 20. Bộ phát đã tạo 1 hình ảnh dựa trên các dữ liệu chân dung. Sau đó bộ phân tách tìm ra các điểm khác biệt giữa chân dung do con người tạo nên và bức vẽ của AI. Trong bước cuối cùng, bức tranh được tạo ra khi thuật toán AI cho rằng, hình ảnh này là bức chân dung thật sự của các họa sĩ.
Việc bán bức chân dung trên đã mở đường cho các tác phẩm nghệ thuật của AI được đem ra sàn đấu giá. Theo chuyên gia Richard Lloyd của nhà đấu giá Christie’s, AI chỉ là một trong số những công nghệ sẽ tác động đến thị trường nghệ thuật trong tương lai, dù còn quá sớm để dự đoán những thay đổi ấy là gì.
Hãng tin ABC News dẫn lời ông Jeremy Kraybill, nhà phát triển phần mềm và các robot, nhận định không còn nghi ngờ gì chuyện AI sẽ chiếm lĩnh thị trường nghệ thuật. Đây không phải là lần đầu tiên AI được sử dụng để tạo 1 tác phẩm nghệ thuật. Năm 2016, dự án “The Next Rembrandt” của Microsoft đã tạo 1 bức tranh mới duy nhất giống như bức tranh do danh họa Rembrandt vẽ. Ông Kraybill cho biết, bức tranh này được tạo ra nhờ kỹ thuật in 3D để trông giống như 1 bức tranh sử dụng các chất liệu mà danh họa Rembrandt tạo ra.
Sự xuất hiện lần đầu tiên của AI trong lĩnh vực nhiếp ảnh và nghệ thuật đã gây nên cuộc tranh luận sôi nổi trong giới nghệ thuật rằng, liệu AI có thể khiến các họa sĩ mất việc không? Tuy nhiên, theo ông Kraybill là không. Nó chỉ trở thành một phần của dòng chính. Ông cho rằng, AI cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội trong phạm vi rộng lớn hơn để mọi người có thể thể hiện bản thân. Ông quan tâm đến khả năng tăng cường sự thể hiện của phương tiện này, nhất là những ai đã mất khả năng thể hiện. Bản thân Kraybill cũng đã hưởng lợi từ công nghệ này. Là lập trình viên, trong quá khứ, ông đã cố gắng tự dạy mình vẽ. Tuy nhiên, trong sự nghiệp của mình, ông đã không thể dùng sơn và bút chì để thể hiện bản thân. Những năm sau này, ông đã nảy ra ý tưởng phải thể hiện bản thân mình thông qua mã máy tính. Ông nói: “Nếu có cách nào đó để kết hợp 2 thứ, tôi có thể thể hiện hiệu quả hơn những gì tôi muốn làm một cách trực quan”. Trong năm nay, Kraybill đã đứng thứ 6 trong cuộc đua Nghệ thuật Robot tại Mỹ. Ông tham gia cuộc thi này với bức tranh duy nhất, nói đúng ra là bức tranh robot AI thực hiện đầy đủ lần đầu của ông.
Sự phát triển của AI cũng đã mở rộng trong các lĩnh vực sáng tạo khác và sẽ chỉ tiếp tục như vậy. Theo ông Kraybill, nhân loại sẽ được chứng kiến sự giao thoa giải trí do AI tạo ra, góp phần cho dòng chảy chính rất nhanh. Vấn đề chỉ là thời gian, AI trong tương lai có thể tạo và dàn dựng các vở opera, rồi tới phim Disney, Star Wars…