“Khen thưởng là theo công trạng hay thành tích?”, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam Phạm Hùng Thắng nêu câu hỏi khi thảo luận về dự án Luật Thi đua khen thưởng. Theo ông, cơ quan soạn thảo cần rà soát lại để có sự thống nhất giữa nội hàm khái niệm khen thưởng và loại hình khen thưởng, nếu không sẽ dẫn đến việc khi quy định các tiêu chuẩn cụ thể sẽ mất đi bản chất thực sự của khen thưởng là ghi nhận công trạng.
Không phủ nhận vai trò, động lực và những hiệu quả to lớn của các phong trào thi đua, song ĐB Thắng cũng cho rằng, nội dung thi đua trong dự thảo Luật sửa đổi vẫn còn mang nặng tính hành chính và tính chất Nhà nước.
“Mục tiêu, phạm vi và hình thức tổ chức thi đua phụ thuộc vào từng tổ chức, cơ quan, đơn vị và mỗi cộng đồng chứ không phải tất cả đều giống nhau, có cái thi đua để phát huy, có cái thi đua để khắc phục, có cái thi đua để cống hiến hơn”, ĐB Phạm Hùng Thắng nhận định và cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát và bổ sung về phạm vi, thẩm quyền phát động, chỉ đạo phong trào thi đua để có quy định khuyến khích mọi hình thức thi đua với sự tham gia của đa dạng, đông đảo các thành phần, tầng lớp xã hội.
Ghi nhận dự thảo luật đã tháo gỡ một số vướng mắc, hướng nhiều đến cơ sở, khắc phục tính hình thức, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đề nghị tiếp tục rà soát, giảm bớt hồ sơ, thủ tục xét khen thưởng.
Trong khi ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) đề nghị bổ sung quy định khen thưởng trong hệ thống các cơ quan dân cử, thì ĐB Phan Văn Xựng (TPHCM), Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM đề nghị dự thảo bổ sung quy định tặng Huân chương Lao động, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc cho các tập thể cơ sở, tập thể nhỏ không thuộc đối tượng được tặng Cờ thi đua.