Động lực để lan tỏa việc tốt
Gần đây nhất, ông Võ Anh Dũng vinh dự nhận được bằng khen, kỷ niệm chương của Bộ Công an biểu dương vì những đóng góp trong phong trào phòng chống tội phạm. Ông Dũng không nhớ hết những lần mình ra tay nghĩa hiệp. Song ấn tượng với ông nhất là từ thời điểm năm 2008, khi chuyển qua hành nghề xe ôm, ông đã theo bước anh trai mình tham gia bắt cướp giật ở phường Tân Định, quận 1. Ông Dũng cho biết, vì thấy chuyện bất bình nên ông can thiệp chứ không nghĩ làm để được biểu dương. Dù vậy, lần đầu tiên được quận 1 trao bằng khen về sự dũng cảm của mình, ông cảm giác rất vui và hạnh phúc. Chính sự biểu dương kịp thời ấy càng thôi thúc ông thấy mình có trách nhiệm với cộng đồng, thêm động lực để tiếp tục tham gia bảo vệ trật tự an toàn xã hội.
Từng bị thương khi tham gia bắt cướp, ông Dũng hiểu những nguy hiểm mà anh em xe ôm gặp phải khi tham gia bắt cướp giật, nên sau này, với vai trò Chủ tịch Nghiệp đoàn xe ôm quận 1, khi biết anh em nào trong nghiệp đoàn dũng cảm bắt cướp hay trả lại tài sản cho người dân, ông đều đề xuất báo cáo cấp trên khen thưởng. “Nghề xe ôm vất vả, ai cũng lo cuộc sống hàng ngày nhưng vẫn dành tâm cho cộng đồng là điều rất quý. Do đó, một sự thăm hỏi, một lời cảm ơn biểu dương cũng kịp thời tạo động lực cho anh em tiếp tục phấn đấu”, ông Dũng bày tỏ.
Làm công việc giao nhận hàng, ông Hồ Hữu Chí (ngụ phường 11, quận Bình Thạnh, TPHCM) chưa từng nghĩ mình được địa phương biểu dương, khen thưởng. Thế nhưng, cuối năm 2022, ông Chí được UBND quận Bình Thạnh trao bằng khen với thành tích tham gia bắt trộm, giữ tài sản cho người dân. “Trưa hôm ấy, tôi đang ở nhà thì nghe tiếng kêu bên ngoài. Tôi chạy ra, thấy chú hàng xóm đang vật lộn với một thanh niên và tri hô “trộm, trộm”. Vậy là tôi nhanh chóng tương trợ bắt giữ tên trộm xe ấy. Việc tôi làm rất nhỏ, nhưng sau đó tôi được quận tuyên dương. Thật sự, là người lao động bình thường, tôi chưa từng nghĩ mình được khen thưởng, nên tôi rất bất ngờ và thấy vui vì sự động viên này”, ông Chí chia sẻ.
Còn với em Trần Khánh Tường (sinh viên năm 2, Khoa Điều dưỡng và Kỹ thuật, Trường Đại học Y Dược TPHCM) lại càng không nghĩ việc làm xuất phát từ cái tâm của mình lại được lãnh đạo thành phố ghi nhận, để rồi trong năm 2022, Tường liên tiếp được tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” và được vinh danh “Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM”. Việc tốt Tường làm đó là dù gia cảnh khó khăn, vừa đi học vừa chạy xe công nghệ để có thu nhập, nhưng Tường sẵn lòng chở miễn phí người khó khăn, người bệnh. Tường còn tham gia hiến máu để nhận phần quà hỗ trợ, mang tặng trẻ em cơ nhỡ… “Sự biểu dương ấy quá lớn với bản thân em. Đó là động lực và là niềm vinh hạnh để em tiếp tục nỗ lực phấn đấu”, Tường tâm sự.
Đến tận nhà biểu dương người dân
Việc được địa phương biểu dương trong buổi họp mặt cuối năm vì là một trong những hộ dân đã đồng thuận sớm trong công tác hiến đất mở rộng hẻm đã khiến các thành viên trong gia đình bà Lê Thị An, ngụ hẻm 694 Nguyễn Kiệm, phường 4 (quận Phú Nhuận, TPHCM) cảm thấy vô cùng ấm áp. “Việc chung của toàn dân và nhà nước để hẻm khang trang hơn thì mình ủng hộ, chứ đâu nghĩ đến việc được biểu dương. Nhưng sự khuyến khích này đã tạo niềm vui lớn cho gia đình”, bà An bày tỏ.
Còn nhớ, khi con hẻm 694 Nguyễn Kiệm đang trong giai đoạn thi công, Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận Nguyễn Đông Tùng đến từng hộ gia đình trong hẻm để thăm hỏi, động viên và nói lời cảm ơn nhân dân đã đồng thuận để việc chung của địa phương được hoàn thành sớm. Điều này đã giúp người dân thấy ấm lòng và thấy việc mình làm có ý nghĩa lớn. Cũng từ chuyến đi thực tế ấy, ông Tùng thấy được khó khăn của một số gia đình hiến đất và chỉ đạo địa phương hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cho khang trang hơn. Từ đó, gia đình bà An đã được kịp thời hỗ trợ chi phí sửa lại căn nhà đang xuống cấp.
Thời gian qua, bên cạnh hình thức biểu dương, khen thưởng tại các hội nghị, quận Phú Nhuận cũng biểu dương, khen thưởng đột xuất người dân, người lao động khi có việc làm hữu ích cho cộng đồng. Theo ông Nguyễn Đông Tùng, đây là việc làm thiết thực để tạo động lực thi đua trong mọi tầng lớp nhân dân.
Tại hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng năm 2022, phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2023; phong trào thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025), đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, đánh giá công tác khen thưởng của thành phố năm qua đã tiếp tục đổi mới. Thành phố chú trọng phát hiện, tuyên dương khen thưởng ngày càng nhiều tập thể, cá nhân có thành tích trong xã hội, người được khen thưởng là người dân chứ không chỉ tập trung cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị như trước. Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, công tác khen thưởng cần linh hoạt, không hình thức, máy móc, bộ phận làm công tác khen thưởng cần có sự phát hiện để kịp thời động viên, tôn vinh những cá nhân, tập thể có cách làm hay thiết thực. Có như vậy, phong trào thi đua mới gặt hái kết quả cao, mỗi người (không phân biệt ngành nghề, giới tính, thành phần dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng) đều hăng hái thi đua, tham gia làm đúng và làm tốt nhiệm vụ của mình, góp phần vào sự phát triển của địa phương, đất nước.
Tại hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2022 của quận Bình Thạnh mới đây, đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM, đề nghị công tác khen thưởng phải kịp thời, chính xác, đúng người đúng việc. Việc khen thưởng cần quan tâm động viên những người lao động, người không có chức vụ, khen thưởng động viên nhân dân, những người có nhiều đóng góp cho phong trào thi đua và sự phát triển của địa phương, thành phố. Có như vậy mới tạo được sự lan tỏa tinh thần thi đua đến mọi tầng lớp nhân dân.