Khâu yếu

Lâu nay, hễ nhắc đến công tác đánh giá cán bộ, đảng viên, nhiều cấp ủy đều than khó, cho đây vẫn là khâu yếu. Tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2014 khối sở ngành TP của Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM vừa qua, cụm từ “khâu yếu” này lại tiếp tục được lặp lại: “Công tác đánh giá, phân tích chất lượng cơ sở đảng, đảng viên hàng năm của một số tổ chức đảng chưa phản ánh đúng thực chất, vẫn còn tình trạng chạy theo thành tích, nể nang trong đánh giá, phân tích”; “công tác đánh giá cán bộ hàng năm theo Quy định số 286/QĐ/TƯ của Bộ Chính trị có chiều sâu hơn nhưng vẫn là khâu yếu và khó, do chưa xây dựng được tiêu chí đánh giá cụ thể, tính tự giác trong tự nhận xét của cán bộ chưa cao”…

Tình trạng này khá phổ biến hiện nay. Tại một chi bộ thuộc đảng bộ cấp trên cơ sở, cũng là một đảng viên dưới 40 tuổi nhưng tại các thời điểm đánh giá gần nhau, kết quả lại trái ngược. Khi phân tích chất lượng cán bộ, đảng viên cuối năm, đồng chí này được công nhận là đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ, là lao động xuất sắc do có bằng khen, giải thưởng về chuyên môn, nhưng khi làm quy trình bổ nhiệm cấp phòng chuyên môn, lại bị một số ý kiến trong đảng ủy đánh giá là năng lực thực chất yếu, yếu tố may mắn là chủ yếu, nên khó nắm giữ trọng trách.

Ở đây phải nói đến cái tâm của người đánh giá, không chỉ là cấp ủy viên, là người làm công tác tổ chức cán bộ, mà là với cả những cán bộ, đảng viên khi được tham gia đánh giá, giới thiệu cán bộ, rõ ràng đã chưa làm hết trách nhiệm của mình, để cho cái tôi chi phối lớn. Hoặc trong khâu đánh giá đã có hay không “bè phái”, thậm chí là “tư thù cá nhân” nên không công tâm khách quan chỉ rõ những tồn tại của đảng viên nọ, mà cứ khen lấy được, chỉ để khỏi bị mất lòng nhau. Hệ lụy là không ít đảng viên trẻ trong chi bộ nói trên và một số chi bộ khác thuộc đảng bộ lúng túng, e dè bởi không hiểu trường hợp của chính mình khi nhận được những lời khen ngợi “có cánh” công khai trong các kỳ họp đánh giá chất lượng đảng viên liệu có thực chất hay không, hay lại được nhận xét một đằng nhưng “bị” bỏ phiếu một nẻo - kết quả hoàn toàn trái ngược nhau?

Trong quy trình công tác cán bộ, khó nhất là đánh giá cán bộ bởi đây là  khâu tiền đề cho các khâu khác. Có đánh giá đúng cán bộ mới giao đúng người, đúng việc; có cơ sở để quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm. đánh giá cán bộ có nhiều hình thức, như theo định kỳ hàng năm; trước khi hết một nhiệm kỳ bầu cử; trước khi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm lại, quy hoạch, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, phân loại cán bộ...

LINH ĐAN

Tin cùng chuyên mục