Hương sắc B’Lao
Thập niên 30 của thế kỷ trước, cây trà đã nảy mầm ở vùng đất B’Lao xưa (nay là TP Bảo Lộc), với những đồn điền của người Pháp như Felit B’Lao, B’Lao Sierré… Sau đó là sự ra đời của các trang trại, rẫy trà gia đình như Năm Mậu, Huỳnh Hoa, Ngô Văn… thông qua phương thức truyền đạt kinh nghiệm của những người từng làm việc cho đồn điền Pháp.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, giờ đây luồng sinh khí mới đã thổi vào xứ trà trên vùng đất B’Lao khi cây trà hiện giữ vai trò quan trọng trong ngành kinh tế tại đây, nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến. Hiện Bảo Lộc đang duy trì diện tích khoảng 2.622ha trà, sản lượng trà búp tươi trên 30.000 tấn/năm.
Ngành trà Bảo Lộc hiện có trên 80 doanh nghiệp và hơn 100 cơ sở sản xuất, chế biến hàng năm khoảng 20.000 tấn trà với nhiều thương hiệu lớn đặt nhà máy tại đây như Đặng Gia, Phương Nam, Thiện Phương… Thương hiệu Trà B’Lao đã lan tỏa đến nhiều thị trường trong nước và quốc tế.
Cùng với trà, tơ lụa là một trong những sản phẩm nổi tiếng của Bảo Lộc. Nói về làng nghề dệt lụa nổi tiếng ở nước ta, phải kể đến: tơ lụa Vạn Phúc (Hà Nội), tơ lụa Nha Xá (tỉnh Hà Nam), tơ lụa Mã Châu (Quảng Nam), tơ lụa Tân Châu (An Giang)… Nhưng ươm tơ dệt lụa quy mô công nghiệp chỉ duy nhất ở Bảo Lộc.
Tơ lụa Bảo Lộc là một loại sợi tự nhiên cao cấp có nguồn gốc từ tơ tằm, được sản xuất theo công nghệ hiện đại, hầu hết các sản phẩm là sợi mành nhỏ nên khi dệt lụa đều, có độ mềm mại, bóng, xốp giúp người dùng có thể cảm nhận rõ rệt vẻ mượt mà, êm ái, thoáng.
Là trung tâm sản xuất dâu tằm tơ lớn nhất Việt Nam, Bảo Lộc hiện có 30 doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực tơ lụa. Hoạt động sản xuất ươm tơ dệt lụa tơ tằm tại Bảo Lộc những năm gần đây được hồi sinh và phát triển ổn định, với diện tích trồng dâu trên 600ha, chưa kể vùng nguyên liệu hàng ngàn hécta ở vùng lân cận.
Hàng năm, TP Bảo Lộc sản xuất khoảng 1.000 tấn tơ, 3,5 triệu m2 lụa các loại với sản phẩm chính như tơ xe, vải lụa tơ tằm, lụa Satin (dùng may áo Kimono), lụa Yozu (dùng may khăn choàng đầu ở các nước khối Ả Rập, Ấn Độ), vải lụa Habutai, lụa CDC dùng may áo dài, carvat, khăn, quần áo cao cấp, trang trí nội thất… được các thị trường Nhật Bản, Ấn Độ, châu Âu, Trung Đông ưa chuộng.
Phát huy thế mạnh
Ông Nguyễn Văn Triệu, Bí thư Thành ủy TP Bảo Lộc, cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết về phát triển TP Bảo Lộc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, khuyến khích phát triển các dự án công nghiệp có công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, chế biến sâu, thân thiện môi trường, các sản phẩm có lợi thế như trà, cà phê, lụa tơ tằm, trái cây đặc sản; khai thác, chế biến khoáng sản; sản phẩm cơ khí, chế tạo kỹ thuật cao... Đặc biệt, đẩy mạnh phát triển ngành sản xuất tơ lụa, sản phẩm thời trang từ lụa, tiến tới hình thành trung tâm thời trang tơ lụa Bảo Lộc.
Cùng với phát huy thế mạnh ngành nghề truyền thống, Bảo Lộc đang từng bước hướng đến trở thành đô thị nghỉ dưỡng. Nằm cách TPHCM 190km, cách TP Đà Lạt 110km, ở độ cao trung bình 800-1.000m so với mực nước biển, TP Bảo Lộc có khí hậu ôn hòa quanh năm mát mẻ, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú với nhiều thác, hồ, suối đẹp như ĐamB’ri, thác Bảy Tầng, hồ Nam Phương, suối Đá Bàn, núi Sapung…
Những yếu tố này giúp cho nơi đây có thể phát triển du lịch nghỉ dưỡng gắn với thiên nhiên. Để hỗ trợ, thúc đẩy du lịch phát triển, tiến tới xây dựng thương hiệu du lịch hiệu quả, Bảo Lộc đã tranh thủ sự hỗ trợ các nguồn lực của Trung ương, Lâm Đồng cùng với địa phương tập trung hoàn thiện hạ tầng giao thông nội thị cũng như hệ thống giao thông liên tỉnh, liên huyện phục vụ nhu cầu liên kết phát triển du lịch.
Nhờ đó, các khu, điểm du lịch lớn tại Bảo Lộc được nâng cấp mở rộng. Địa phương cũng đã hình thành các tour cho du khách tham quan cánh đồng trà chất lượng cao, trình diễn nghệ thuật thu hái chế biến trà, tham quan dây chuyền sản xuất trà, cà phê, trồng dâu nuôi tằm… Đây là những sản phẩm ưu thế ở địa phương gắn với các chương trình du lịch dã ngoại, du lịch trải nghiệm.
Trong tương lai gần, khi tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (đi qua TP Bảo Lộc) hoàn thành, thời gian đi lại giữa Bảo Lộc và các đô thị lớn sẽ được rút ngắn đáng kể, thúc đẩy du lịch địa phương phát triển.