Vượt thoát khung cửa hẹp
Trên các diễn đàn trong nước và quốc tế, nói về năm 2020 cụm từ được lặp lại phổ biến: Covid-19. Đại dịch này gây hiểm họa toàn cầu và tác động của nó về kinh tế - xã hội là khôn lường. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nêu bức tranh toàn cảnh: Thế giới vẫn đang nỗ lực để xua đi bóng đen cuộc khủng hoảng đại dịch đã khiến 71,3 triệu người nhiễm, hơn 1,6 triệu người tử vong; làm đảo ngược xu hướng tăng trưởng kinh tế; kéo các chỉ số thất nghiệp tăng vọt; đẩy thêm nhiều người vào tình trạng nghèo khó. “Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã bộc lộ những bất bình đẳng sâu xa và nếu không có những thay đổi cấu trúc sâu sắc, tình trạng bất bình đẳng sẽ gia tăng thời gian tới với những hậu quả khôn lường”, ông Guy Kyder, Tổng giám đốc ILO, khuyến cáo. Trong dự báo mới nhất, IMF cho rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới năm 2020 sẽ giảm 4,4%, thấp hơn đáng kể so với thời kỳ trước đại dịch và nhấn mạnh: Kể cả khi cuộc khủng hoảng trước mắt qua đi thì hầu hết các nền kinh tế đều sẽ hứng chịu những tổn thất lâu dài nhiều mặt.
Có kết quả này là do cả hệ thống chính trị vào cuộc; đồng bào, chiến sĩ đồng lòng trách nhiệm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh; khắc phục có hiệu quả thiệt hại; duy trì sản xuất kinh doanh ở mức hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp và bảo đảm an sinh xã hội. Điều này không phải ta khen ta. Vào dịp cuối năm, nhiều tờ báo và hãng tin thế giới dẫn số liệu các tổ chức, các cơ quan nghiên cứu quốc tế đã đưa ra những đánh giá: Việt Nam đã giảm thiểu thiệt hại kinh tế do Covid-19 và là quốc gia hiếm hoi ở Đông Nam Á vẫn giữ đà tăng trưởng dương. Việc kết hợp chiến lược truy vết và kiểm soát nguồn lây đã hạn chế ca nhiễm bệnh. Vì vậy, Việt Nam đã tránh được những ảnh hưởng kinh tế tồi tệ nhất do đại dịch.
Khả năng hiện thực
Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt đối với nước ta: Đại hội XIII của Đảng, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu tổng quát là khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phấn đấu để giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong bối cảnh đó, Quốc hội đã xác định được mục tiêu tổng quát năm 2021: vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát lạm phát, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng… Chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm nay được thông qua là tăng khoảng 6%, gấp đôi năm trước. Một số ý kiến băn khoăn cho rằng thực hiện “mục tiêu kép” trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được khống chế căn cơ là khó. Về vấn đề này, tư lệnh ngành kế hoạch - đầu tư, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng lý giải: Tác động do dịch bệnh, bất ổn chính trị toàn cầu… là phức tạp nhưng bên cạnh đó ta cũng có nhiều cơ hội và tiềm năng để phát triển, vươn lên. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như FTA với EU, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện RCEP; cơ hội từ việc thu hút dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển; thương mại điện tử và việc hình thành các mô hình kinh doanh mới…
Minh định rõ nhất về việc này là trong năm 2020 đầy biến cố nhưng kết quả thu hút dòng vốn FDI vào nước ta vẫn tốt, thể hiện sự hấp dẫn của Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế. Điểm đặc biệt trong năm là ta đã đón được nhiều dự án khá lớn: Tổ hợp Điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu (vốn đầu tư 4 tỷ USD), Tổ hợp Hóa dầu miền Nam (1,3 tỷ USD), Khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây (1,3 tỷ USD)… Tờ Financial Review (Australia) nhận định căng thẳng thương mại quốc tế và việc ứng phó thành công dịch bệnh đã làm tăng sức hút của Việt Nam đối với các doanh nghiệp nước ngoài đang tìm cách dịch chuyển chuỗi sản xuất. Ông Rob Subbaraman, Trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô toàn cầu tại Viện Normura, dự báo: “Trong những năm tới dòng vốn đầu tư trong khu vực châu Á sẽ dịch chuyển nhiều hơn nữa. Đáng chú ý tại các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, dân số đang già đi, quỹ hưu trí ngày càng lớn và chi phí tiền lương tăng lên. Do đó, các nước ASEAN và Ấn Độ sẽ thu hút nhiều đầu tư hơn. Vào năm tới, một khi dịch Covid-19 suy giảm thì vốn đầu tư sẽ gia tăng”.
Khơi nguồn nội lực
Sau 35 năm đổi mới, đất nước ta có nhiều tiến bộ đáng tự hào, khẳng định tiềm lực, vị thế trên trường quốc tế. Bước vào thời kỳ phát triển mới, quan điểm của Đảng, Nhà nước vẫn là phát huy tối đa nội lực, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng lực bộ máy quản lý và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước… Thực tế cho thấy việc cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường đầy đủ là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển.
Đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành nhưng kết quả đạt được năm qua cho ta niềm tin trong năm mới: kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn nền kinh tế cơ bản đảm bảo; kiểm soát tốt lạm phát và tỷ giá; cán cân thương mại thặng dư cao, xuất siêu (17 tỷ USD) và dự trữ ngoại hối tăng (93 tỷ USD); đảm bảo phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân mặc dù trải qua cơn bão, lũ gây thiệt hại nặng nề… |
Bối cảnh mới mở ra nhiều cơ hội mới thực hiện khát vọng tiến tới thịnh vượng, hùng cường. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro; khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài còn yếu; nguy cơ tụt hậu còn hiển hiện… Góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII, các chuyên gia nêu quan điểm: phải đổi mới tư duy phát triển, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khơi dậy khát vọng phát triển đất nước vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của người dân. Còn nhiều khó khăn trước mắt, nhưng TS Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế cao cấp, nêu ý kiến: “Sau hơn 30 năm đổi mới đã đến lúc Việt Nam phải vượt lên, tốc độ tăng trưởng GDP phải đặt cao hơn trong 10 năm tới để khơi dậy khát vọng. Vì quan điểm của tôi, chúng ta xây dựng mục tiêu không chỉ dựa trên thực tiễn, các đánh giá mang tính khoa học, mà còn đặt yêu cầu ở phía điều hành, thực thi. Đây là lúc đòi hỏi nghệ thuật khơi nguồn, kích thích sáng tạo. Có rất nhiều việc phải làm, từ cả phía Nhà nước và doanh nghiệp. Trong đó, điều quan trọng nhất của Nhà nước là tạo lập môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh”.
Ta xác định mục tiêu tăng trưởng cao nhưng thực ra các nhà làm chính sách đã cân nhắc rất thận trọng trước các yếu tố bất định của kinh tế toàn cầu, tác động của đại dịch. Vì thế, mục tiêu đề ra cho năm 2021 và giai đoạn 5-10 năm tới việc “quyết tâm phấn đấu đạt các chỉ tiêu cao nhất, đồng thời chuẩn bị các phương án chủ động thích ứng với những biến động” cũng đã được tính đến, đưa ra nhiều kịch bản khác nhau. Điểm lạc quan là càng về cuối năm, các dự báo của các tổ chức quốc tế đều cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trở lại trong năm 2021: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ta con số tăng trưởng 6,3%; bà Eva Dabla - Norris, Vụ châu Á - Thái Bình Dương của IMF, khẳng định kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ, đạt 6,5% khi quay lại bình thường. Báo cáo mới đây của Tổ chức Nghiên cứu kinh tế quốc tế Capital Economics cho rằng Việt Nam sẽ là một nền kinh tế phát triển nhanh nhất toàn cầu trong năm nay.