Đây là mục tiêu rất dũng cảm và đầy trách nhiệm với dân tộc, thể hiện rõ khát vọng phát triển hùng cường, mang lại phồn vinh, hạnh phúc cho nhân dân. Song, để đạt được mục tiêu ấy cần có quyết tâm mạnh mẽ với giải pháp hiệu quả, trong đó đặc biệt chú trọng đến con người, phải khơi dậy được cao độ lòng yêu nước của nhân dân, khơi dậy tinh thần trách nhiệm, tính Đảng và lý tưởng cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Tăng trưởng 10% - hoàn toàn khả thi
Mục tiêu đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước), Việt Nam trở thành nước phát triển, tức khi đó thu nhập bình quân đầu người sẽ đạt mức 20.000 USD. Nếu đạt được mức thu nhập này sẽ mang lại ý nghĩa hết sức lớn lao, có nhiều điều kiện thuận lợi nâng cao chất lượng sống của người dân.
Căn cứ vào mức thu nhập bình quân đầu người nước ta hiện nay (khoảng 3.000 USD/người/năm, chưa vượt qua ngưỡng thu nhập trung bình), để đạt được mức thu nhập bình quân đầu người là 20.000 USD vào năm 2045, Việt Nam cần đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức 10%/năm. Tốc độ tăng trưởng này hoàn toàn có thể đạt được với điều kiện phải có những giải pháp quyết liệt, hiệu quả. Trước tiên có thể tham khảo kinh nghiệm của Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong 30 năm, GDP trên đầu người của Hàn Quốc tăng 12,16 lần, từ 1.689 USD/người/năm (vào năm 1980) tăng lên 36.363 USD/người/năm (vào năm 2010). Ở Trung Quốc, trong 30 năm, mức tăng này là 14,4 lần, từ 307 USD/người/năm (vào năm 1980) tăng lên 10.586 USD/người/năm (năm 2010). Có giai đoạn, Hàn Quốc và Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng trên 15%/năm.
Trong khoảng 30 năm nêu trên, Việt Nam chỉ tăng 2,52 lần, từ 514 USD/người/năm (vào năm 1980) lên 1.297 USD/người/năm (vào năm 2010). Như vậy, để biến mốc 20.000 USD vào năm 2045 thành hiện thực, chúng ta cần phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế hiện nay. Cụ thể, Việt Nam cần nỗ lực thực hiện các giải pháp hiệu quả, trong đó đặc biệt chú ý đến các giải pháp hỗ trợ nhằm khai thác tốt tiềm năng và dư địa hiện để có được tốc độ tăng trưởng cao. Đó là việc tổ chức lại sản xuất, đưa các “tiểu nông, tiểu thương, tiểu chủ” vào những hình thức tổ chức thích hợp, tổ chức lao động tình nguyện và thực hiện nghĩa vụ lao động xây dựng đất nước. Đây là dư địa lớn, nếu được khai thác tốt sẽ góp phần làm tăng năng suất lao động xã hội và gia tăng mạnh mẽ tốc độ tăng GDP. Trong nhóm này cũng cần thay đổi mạnh mẽ hoạt động sản xuất nông nghiệp về tính chất, cơ cấu cây trồng vật nuôi có giá trị cao, chất lượng cao của nền sản xuất nông nghiệp nhiệt đới phù hợp nhu cầu thị trường, thị hiếu tiêu dùng. Thông qua đó sẽ chuyển từ nền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ thành nền sản xuất đủ lớn để phát triển thương mại dịch vụ, đảm bảo phân phối nhanh và rộng khắp.
Một giải pháp quan trọng khác, là đổi mới tư duy hơn nữa, tiến tới một nền kinh tế bền vững và nhân văn hơn. Đây là nền kinh tế ít carbon, bảo vệ môi trường, thân thiện với thiên nhiên. Cụ thể, cần phát triển đồng thời, đồng bộ kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo dựa vào trí tuệ con người; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa vào thiên nhiên và bảo vệ thiên nhiên. Cùng đó là tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 theo thế mạnh của đất nước, con người Việt Nam và đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học - công nghệ để tăng năng suất lao động.
Điều chỉnh bất cập, quyết sách phù hợp
Để đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng 10%/năm, hiện thực hóa khát vọng phát triển hùng cường thì cũng cần kiên quyết điều chỉnh những bất cập, bất hợp lý của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời giải quyết tốt những trì trệ, yếu kém của cơ chế quản lý, điều hành hiện nay. Đơn cử như chống lãng phí, đặc biệt là lãng phí về thời gian hiệu quả, nhằm giữ lại cho xã hội và ngân sách một giá trị lớn. Ví dụ, một dự án đầu tư công từ khi có quyết định chủ trương, hoàn tất thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng và thi công đưa vào khai thác với thời gian kéo dài. Đó là chưa kể sự chậm trễ ở từng công đoạn, thậm chí có những công trình thi công cầm chừng hoặc tạm ngưng thi công chờ mặt bằng hoặc vốn. Cùng với đó là chống lãng phí xảy ra trong công tác quy hoạch, sử dụng đất đai, tài nguyên quốc gia hoặc tài sản... Những tồn tại, hạn chế này cần phải được điều chỉnh, từng bước khắc phục triệt để.
Một điểm đáng lưu ý là có kế hoạch thu hồi và khai thác hiệu quả công sản. Công sản là một khái niệm rộng, bao gồm cả bầu khí quyển mà lâu nay chúng thiếu giải pháp gìn giữ, khai thác hiệu quả để có thể chuyển giao lại cho các thế hệ tương lai nguyên vẹn. Cũng với luận điểm như thế, ta sẽ có rất nhiều loại công sản, như tài nguyên thiên nhiên: nước mặt, nước ngầm, ao hồ, sông suối, rừng, biển, đất đai, quặng mỏ, hệ sinh thái thực vật, hệ sinh thái động vật… Đó còn là tài sản xã hội như vốn văn hóa, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống dân tộc, lịch sử, ngôn ngữ, chữ viết, tục ngữ, ca dao, tần số phát thanh, truyền hình, sáng tạo khoa học công nghệ, sáng tạo văn học - nghệ thuật...
Tổng giá trị tài sản công đó là vô cùng lớn và hoàn toàn có thể sinh lợi. Việc giữ gìn, khai thác hiệu quả những tài sản công này còn góp phần ứng phó, thích nghi tốt với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Mặt khác, phát triển bền vững không chỉ riêng với môi trường sinh thái mà còn là ở môi trường xã hội, xây dựng cộng đồng và phát triển nền văn hóa dân tộc, đạo đức dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn minh nhân loại. Đặc biệt, yếu tố con người mang tính quyết định cho nên phải thực hiện các giải pháp giáo dục, xây dựng văn hóa để khơi dậy được cao độ lòng yêu nước của nhân dân và khơi dậy đúng mức tinh thần trách nhiệm, tính Đảng, lý tưởng cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức để giành được thắng lợi hoàn toàn cho sự nghiệp “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Tóm lại, mục tiêu tăng trưởng 10%/năm là hoàn toàn khả thi và đảm bảo đến năm 2045 nước ta trở thành nước công nghiệp phát triển, có thu nhập cao đạt mức 20.000 USD/người/năm. Khi ấy, chúng ta có điều kiện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội nhiều hơn, thực hiện hiệu quả chế độ phân phối để hạn chế bất bình đẳng trong xã hội, từ đó góp phần mang lại hạnh phúc tốt hơn cho nhân dân.
Mục tiêu mà dự thảo Văn kiện Đại hội đặt ra là rất dũng cảm, nêu cao khát vọng hùng cường. Và việc đặt mục tiêu như thế là rất quan trọng, có cơ sở để trong các giải pháp sẽ có sự phấn đấu, nỗ lực đạt được mục tiêu ấy. Tôi tin tưởng và kỳ vọng Đại hội XIII sẽ bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đặc biệt là các nhân sự cấp cao của Đảng, hội đủ đức, tài, bản lĩnh và có ý chí quyết tâm chính trị cùng khát vọng mạnh mẽ để lãnh đạo đất nước phát triển hùng cường, mang lại phồn vinh, hạnh phúc cho nhân dân.
Thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM