Chưa tốt nghiệp đại học đã đậu cao học
Tham lam tích cực là chân dung mà Tống Chí Thông (26 tuổi) tự họa. Bởi, “tôi là dân quản lý chuỗi nên trong kế hoạch phải tính toán tối ưu, đầu luôn “nhảy số” phương án dự phòng”, Thông lý giải. Cách đây 4 năm, tại lễ tốt nghiệp của Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM), cái tên Tống Chí Thông khiến nhiều người ngưỡng mộ khi là sinh viên duy nhất chưa đầy 4 năm đại học đã tốt nghiệp loại giỏi 2 ngành khó: Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Kỹ thuật hệ thống công nghiệp.
Tống Chí Thông đang truyền đạt kỹ năng, kinh nghiệm cho sinh viên |
Thông bộc bạch: “Mọi việc đều do mình, muốn có kết quả như thế nào thì nỗ lực bằng ấy, thậm chí phải bỏ ra nhiều hơn. Cha mất sớm, tôi là anh lớn nên có suy nghĩ biến mình thành chỗ dựa của các em trong gia đình, rồi mới thành người có giá trị với cộng đồng”. Có lẽ vì thế mà dù tuổi đời còn rất trẻ, Thông đã có nhiều chiêm nghiệm. Anh đặc biệt nhạy cảm với những cặp từ “trái dấu” như có ích - vô dụng; lùi bước - tìm giải pháp… để giữ tâm thế đúng. Điều đáng phục, chưa tốt nghiệp đại học, Thông đã đậu cao học.
Sau 2 năm, Thông “rinh” thêm 2 tấm bằng thạc sĩ của Trường Đại học Việt Đức và Đại học Hochschule Karlsruhe ở Đức. Ra trường, anh vẫn hoàn… tham lam khi vừa làm giảng viên đại học vừa làm quản lý công nghệ cho một công ty chuyên về cơ sở dữ liệu thị trường tại Việt Nam và góp sức vận hành cho một công ty chuẩn bị ra mắt ở Đức.
Hành trình của Thông là minh chứng cho việc luôn biết tận dụng cơ hội. Song cơ hội không từ đâu rơi xuống, mà bằng tự thân nỗ lực tạo nên và nắm bắt. Với khối lượng học tập và làm việc khổng lồ, từng có thời điểm chỉ có 3 đêm trong tuần Thông được ngủ, nhưng anh nhìn về phía mục tiêu để cố gắng. Anh đúc kết, nghiêm túc quản lý bản thân là việc mà người trẻ nên làm bởi có nhiều thứ hấp dẫn (và chúng thường dễ dàng hơn) vây lấy chúng ta. Điều quan trọng là mỗi người cần xác định cho mình một lý tưởng để theo đuổi. Con đường đến với mục tiêu là một hành trình và cứ bước từng bước về phía trước. Sự đóng góp tốt nhất cho cộng đồng, đất nước chính là mỗi người hãy làm tốt nhất phần việc của mình, biến kế hoạch cá nhân trở thành hữu ích với nhiều người.
Tích lũy kiến thức để phục vụ cộng đồng
Gặp gỡ một vài người trẻ sẽ cho chúng ta thật nhiều trải nghiệm hay ho bởi vì họ miệt mài rút ngắn khoảng cách… kinh nghiệm bằng những hành trình độc đáo. Trịnh Hải Đăng (sinh viên năm 4 Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM) là một trong số ít đó. Gặp cô gái có cái tên thật…con trai khi bạn vừa trở về từ Hội nghị thượng đỉnh Thanh niên toàn cầu diễn ra tại Hàn Quốc. Cô gái Nghệ An ráo riết chuẩn bị quay lại trường kịp đua nước rút học kỳ cuối sau hơn nửa năm tạm hoãn. Trong 6 tháng “bỏ học”, Hải Đăng được chạm vào thật nhiều trải nghiệm quý báu của tuổi trẻ.
Trịnh Hải Đăng tại Hội nghị cấp cao ASEAN 42 |
Đó là làm người hướng dẫn cho PISE Việt Nam - một tổ chức giúp đỡ các bạn trẻ trong việc thực hiện các dự án phục vụ cộng đồng, rút ngắn khoảng cách cơ hội giữa các bạn trẻ ở những vùng miền khác nhau. Song song đó là trúng tuyển và tham gia 4 chương trình giao lưu quốc tế: ASEAN Youth Dialogue, ASEAN Summit 42, Học bổng toàn phần lãnh đạo trẻ ASEAN - Trung Quốc, Hội nghị thượng đỉnh Thanh niên toàn cầu.
So sánh với việc tạm hoãn học, ra trường muộn hơn bạn bè, cô thú nhận, đây là cái giá… quá lời, khi cô tận dụng được những cơ hội quý báu. Hải Đăng trở thành đại biểu thanh niên của Việt Nam tham gia Hội nghị cấp cao ASEAN 42 (ASEAN Summit 42) hồi tháng 5. Vào ngày thứ 2 của hội nghị, cô vinh dự là 1 trong 22 đại biểu thanh niên các nước trong khu vực ASEAN trình bày bản “Khuyến nghị chính sách về chủ đề Phát triển kỹ thuật số vì mục tiêu phát triển bền vững” trong phiên tiếp kiến các nguyên thủ.
Cô chia sẻ: “Trước mặt tôi là 11 nguyên thủ quốc gia, trong đó có Thủ tướng Phạm Minh Chính, cảm giác hạnh phúc lẫn tự hào len lỏi sâu; khi đó tôi ý thức được trách nhiệm và buộc mình phải hướng đến điều lớn lao hơn. Tôi vô cùng hạnh phúc khi được góp một phần sức cũng như đại diện cho tiếng nói thanh niên Việt Nam vào bản khuyến nghị chính sách. Từ những chia sẻ của lãnh đạo các quốc gia, vai trò của thanh niên được chú trọng nêu cao và được tham gia vào việc quyết định tương lai cộng đồng ASEAN - một điều mà trước đây tôi nghĩ rất xa vời đối với sinh viên, học sinh. Tôi nhận ra trọng trách của bản thân và thế hệ mình trở nên then chốt hơn bao giờ hết. Tiếng nói của thế hệ trẻ đã và đang được lắng nghe hơn bất kỳ lúc nào.
Chưa ra trường, nhưng Hải Đăng sở hữu một hồ sơ cực xịn về kỹ năng, trải nghiệm, ngoại ngữ… đủ sức chinh phục nhà tuyển dụng ngay. Nhưng, cô lại hoạch định cho mình một con đường giá trị và chắc hẳn sẽ thú vị hơn, đó là dành những kiến thức đã học, kinh nghiệm tích lũy để phục vụ cộng đồng, song song với việc tìm học bổng học cao hơn trong tương lai.
Những cột mốc cuộc đời
Nam sinh viên năm 3 Lê Nguyễn Công Danh (21 tuổi) của Trường Đại học Công nghệ TPHCM đã định nghĩa về một gen Z thật khác, táo bạo và ý chí. Con đường ngách mà Danh chọn là nghệ thuật, đưa những khắc khoải của thời đại vào phim ảnh. Bạn chọn tái hiện quê hương miền Tây vào bộ phim ngắn đầu tay ngay khi bước vào con đường chuyên nghiệp. Cuộc trở về với ký ức trong tác phẩm Hạn mặn đã giúp Danh giành cú đúp tại lễ trao giải phim ngắn Storytellers (Mỹ) với giải Đạo diễn xuất sắc nhất và Phim có thiết kế mỹ thuật, bối cảnh ấn tượng nhất.
Lê Nguyễn Công Danh nhận giải thưởng tại lễ trao giải phim ngắn Storytellers, Mỹ |
Hơn bất kỳ điều gì, Danh mong muốn khắc họa chân thực người nông dân trong xã hội hiện đại, cũng như lột tả mối liên kết chặt chẽ giữa con người và thiên nhiên, truyền tải đến thế giới những hơi thở đẹp đẽ của miền quê sông nước. Danh không đặt ra mốc thời gian, mà chia sẻ rằng mình luôn chắt chiu, nắm bắt từng cơ hội để biến nó thành những cột mốc cuộc đời. Như cách Danh bước ra “biển lớn” ở độ tuổi còn rất trẻ, không ngại khó. Danh từng nhận vô số công việc ở trường quay, thực hiện loạt phim ngắn, bước qua những chối từ, làm thêm đủ thứ nghề chỉ để được sống với nghề. Lý giải về điều này, Danh cho biết, mỗi người đều có những thứ cần kiên định theo đuổi.
“Thuận lợi của thế hệ trẻ là được làm người quan sát, nhận định rõ thách thức và cơ hội dành cho mình. Mang phim Việt và văn hóa Việt ra thế giới là khát vọng lớn nhất mà em muốn thực hiện”, Danh quả quyết. Nếu biết rằng chàng trai này từng có quá khứ là học sinh cá biệt, rồi phấn đấu trở thành sinh viên xuất sắc quyết liệt như thế nào, chúng ta có thể tin rằng, chỉ cần có nghị lực theo đuổi thì khát vọng ấy chẳng xa vời.
Giữa hàng triệu người Việt trẻ, mỗi người chọn một lĩnh vực, đi một con đường, song bằng cách này hay cách khác, họ đang từng bước thực thi trách nhiệm của người chủ xây dựng quê hương bằng chính trí tuệ, nỗ lực và nhiệt huyết tuổi trẻ. Hành trình cá nhân của nhiều thanh niên là minh chứng rất rõ ý thức vai trò của thế hệ trong việc nắm bắt vận mệnh và tương lai. Họ không ngừng hành động để tuổi trẻ không trở thành vô nghĩa, mà có giá trị đóng góp cho cộng đồng, quốc gia và khu vực. Song, mọi mục tiêu to lớn đều bắt đầu từ nhiệm vụ nguyên thủy nhất: làm tốt việc của bản thân thì sống có giá trị.