Chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hiệp quốc (LHQ) khóa 73 tại New York (Hoa Kỳ) cuối tháng 9-2018 diễn ra với nhiều điều khó có thể lặp lại. Trong một bối cảnh đặc biệt, tất cả thời gian đi - về và làm việc của đoàn trên đất Hoa Kỳ chưa được 3 ngày. Chỉ trong hơn 10 giờ làm việc chính thức, Thủ tướng có đến 15 cuộc làm việc, tiếp xúc, gặp gỡ, phát biểu. Và một lần nữa tại diễn đàn cao nhất của LHQ, Việt Nam khẳng định về khát vọng hòa bình, công bằng, phát triển vững bền.
1. Sáng 26-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội lên đường đến New York. Trước đó, ngày 21-9, Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời do bệnh hiểm nghèo, để lại rất nhiều xúc cảm cho cả người dân trong nước lẫn cộng đồng quốc tế.
Ngày 27-9 (tức rạng sáng 28-9, giờ Việt Nam), trước khi bắt đầu phiên họp toàn thể thứ 3 của Đại hội đồng LHQ khóa 73, Chủ tịch Đại hội đồng Maria Fernanda Espinosa Garces thông báo về sự ra đi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và đề nghị đại diện các nước tham dự phiên họp dành một phút mặc niệm. Tất cả thể hiện sự trân trọng, tình cảm của cộng đồng quốc tế với Việt Nam và cá nhân cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Trong phần đầu bài phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 73, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ lời cảm ơn chân thành đối với đại hội đồng đã có phút mặc niệm Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trần Đại Quang vừa qua đời.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 73, chiều 27-9 tại New York, Hoa Kỳ 2. Phát biểu trước các nhà lãnh đạo 193 quốc gia tham dự phiên thảo luận cấp cao của Đại hội đồng LHQ khóa 73 có chủ đề “Để LHQ gắn bó với tất cả người dân - Lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm chung vì các xã hội hòa bình, công bằng và bền vững”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, LHQ đã phát huy vai trò to lớn của mình, nỗ lực không mệt mỏi để gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa xung đột, chiến tranh; thực thi những “chuẩn mực cốt lõi của quan hệ quốc tế” trong Hiến chương LHQ. Ngày nay, LHQ đã thực sự trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết toàn cầu, nơi kết tinh các giá trị tiến bộ nhân văn và hiện thực hóa khát vọng vươn lên vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng. Trong hơn 70 năm qua, Việt Nam đã đồng hành, đóng góp cho các mục tiêu cao cả của LHQ và là một trong số ít quốc gia đã hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ MDG 2015 của LHQ, nhất là về xóa đói giảm nghèo. Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu hơn nữa cho công bằng và phát triển bền vững; thúc đẩy bình đẳng, hỗ trợ các nhóm yếu thế; bảo vệ tốt môi trường; bảo đảm quyền cho mọi người dân, đồng thời đề cao tinh thần đối thoại và hợp tác trong vấn đề quyền con người.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thế giới hiện đang phải đối mặt với những thách thức mới, rất to lớn. Tư duy cường quyền, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, sự gia tăng các biện pháp đơn phương tiếp tục là mối đe dọa đối với hòa bình, ổn định quốc tế. Không một quốc gia nào, dù đó là các cường quốc giàu mạnh, có đủ sức giải quyết những thách thức to lớn đối với toàn cầu hiện nay, điều đó đòi hỏi sự nỗ lực, chung tay của mọi quốc gia trên hành tinh. Trước diễn đàn lớn nhất thế giới này, Thủ tướng đề xuất vấn đề “trách nhiệm kép” với việc mỗi quốc gia có thêm trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu, mỗi cá nhân có thêm vai trò công dân toàn cầu; các cường quốc, các nước phát triển hãy bằng hành động thiết thực, hãy là những tấm gương đi đầu trong gìn giữ hòa bình và phát triển. Đại hội đồng LHQ hãy là trung tâm để các quốc gia, dân tộc hợp tác vì hòa bình, công bằng và phát triển bền vững. “Từ quá khứ đấu tranh gian khổ, lâu dài giành độc lập, tự do, Việt Nam thấu hiểu sâu sắc giá trị của hòa bình, quyền bình đẳng, “quyền dân tộc tự quyết”, “quyền mưu cầu hạnh phúc” và các giá trị dân chủ của Hiến chương LHQ. Tiếng nói của một nước nhỏ hay khát vọng của những người yếu thế cần phải được tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ. Đó là nền tảng cho phát triển bền vững, bao trùm và không để ai bị bỏ lại phía sau, là cơ sở của ổn định xã hội cũng như bảo đảm quyền và phát huy sức sáng tạo của mỗi người” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres tại cuộc gặp chiều 27-9 ở trụ sở LHQ Ảnh: Trần Bình 3. Trong những năm qua, bằng những đóng góp to lớn, nỗ lực không biết mệt mỏi, Việt Nam đã chủ động tham gia vào các cơ cấu định hình những quyết sách chung có liên quan đến an ninh, hòa bình trên thế giới theo Hiến chương LHQ. Đặc biệt, Việt Nam đã có những nỗ lực to lớn, cử nhiều sĩ quan, quân nhân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ. Ngay trong thời gian diễn ra kỳ họp thứ 73 Đại hội đồng LHQ, những công tác chuẩn bị cuối cùng cho việc triển khai bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tới phái bộ LHQ ở Nam Sudan được Việt Nam tích cực hoàn tất để các quân nhân Việt Nam lên đường tới Nam Sudan đầu tháng 10-2018, tham gia vào một trong những hoạt động phức tạp, nhiều thách thức nhưng cũng đầy tính nhân văn của LHQ. Việt Nam đã tích cực tham gia xây dựng và thực thi các điều ước quốc tế của LHQ cũng như vào các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy LHQ phát huy vai trò là một thể chế đa phương toàn cầu công bằng, hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng chung của nhân loại. Trong năm 2017, Việt Nam là một trong 52 nước đầu tiên ký Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân và năm 2018 là nước thứ 10 phê chuẩn hiệp ước này. Việt Nam đã chính thức ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 và tháng 5-2018 đã được nhóm châu Á - Thái Bình Dương gồm 53 quốc gia nhất trí đề cử là ứng cử viên của nhóm vào vị trí này (bầu cử diễn ra vào tháng 6-2019).
Với nội lực và sự sáng tạo, với quyết tâm của lãnh đạo cấp cao và người dân, Việt Nam đủ tự tin cáng đáng những trách nhiệm trong bộ máy của LHQ, hướng tới một LHQ hiệu quả, vượt qua được các thách thức trong thế kỷ mới. Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trước Đại hội đồng LHQ khóa 73: Việt Nam cam kết sẽ luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và LHQ!
TRẦN LƯU